Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Cao Thị Xuân, Trần Thị Hoa Ry, các đồng chí Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc; đại diện các Ban của Quốc hội. Về phía Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải và lãnh đạo một số vụ, đơn vị.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng "lõi nghèo"
Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2026 của Ủy ban Dân tộc cho thấy: Tình hình vùng DTTS và miền núi cơ bản ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không xảy ra các vụ việc có tính chất nghiêm trọng; đời sống đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện, các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững...
Nhiệm kỳ 2016-2020 là nhiệm kỳ đạt được nhiều kết quả nổi bật về thực hiện công tác dân tộc. Kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt được nhiều thành tựu. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm 2-3%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong vùng đạt bình quân 7%/năm. Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước; hạ tầng kinh tế- xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn.
Khoảng cách phát triển giữa các DTTS với dân tộc Kinh, giữa các nhóm DTTS, giữa miền núi và miền xuôi chưa được rút ngắn. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số là người DTTS chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 57,16 % tổng số hộ nghèo của cả nước.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn tới, theo đề xuất của Ủy ban Dân tộc bao gồm nhiều giải pháp, trong đó có tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Tập trung mọi nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ mà trực tiếp là Ủy ban Dân tộc trong thực hiện chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian qua. Các đại biểu đề xuất, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung mọi nguồn lực thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; quan tâm đến vấn đề bảo vệ, phát triển rừng; giải quyết vấn đề bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em DTTS; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc; chú trọng công tác cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị; tăng cường chuyển đổi số vùng DTTS và miền núi...
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đã giải trình, làm rõ thêm những ý kiến đại biểu nêu. Trong đó, có nhiều đề xuất của đại biểu, đã được Ủy ban Dân tộc quan tâm đưa vào các nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới.
“Hiện nay, Uỷ ban Dân tộc đang nỗ lực triển khai các đầu việc, hoàn thiện các văn bản liên quan để triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc trong giai đoạn mới, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải cho biết.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu xây dựng báo cáo sát yêu cầu, phục vụ việc thẩm tra, báo cáo thuyết phục trước Quốc hội. Cần nhấn mạnh kết quả Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đánh giá thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Quan tâm đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân. Quan tâm đánh giá sự tác động của thiên tai, dịch bệnh đến sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của cơ quan công tác dân tộc. Tăng cường vai trò tham gia và nâng cao năng lực cộng đồng...