Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đề xuất đầu tư hơn 90.000 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo

PV - 17:18, 29/06/2021

Bộ LĐTB&XH vừa đề xuất đầu tư nguồn lực hơn 90.000 tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá, việc tiếp tục chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết và cấp bách.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 rất cần thiết và cấp bách. Ảnh: VGP/Thu Cúc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 rất cần thiết và cấp bách. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh đã trình bày báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình).

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Chương trình sẽ có 4 dự án lớn và 11 tiểu dự án, tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo để nâng cao thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người nghèo; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội…

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Chương trình sẽ góp phần quyết định thực hiện mục tiêu bình quân cả nước giảm 1-1,5%/năm, trong đó các huyện giảm từ 4-5%/năm, xã đặc biệt khó khăn giảm từ 2-3%/năm, tạo môi trường cho người nghèo, người yếu thế, người dân ở khu vực khó khăn nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và việc làm.

“Việc triển khai thực hiện Chương trình dự kiến sẽ mang lại hiệu quả đồng bộ, đẩy mạnh và phát triển đào tạo nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị và tỷ lệ lao động thiếu việc làm nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch lao động”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá.

Đại diện Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, Chương trình sẽ giúp tăng số lượng, chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, giúp người nghèo, trẻ em, các đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thuận lợi hơn, với chất lượng ngày càng cao hơn. Giảm phân biết đối xử, bạo lực về giới cũng đã góp phần tiết kiệm hao phí sức lao động xã hội, giảm khoảng cách giới, giảm bất bình đẳng trong phân công lao động, giảm gánh nặng cho xã hội.

Đặc biệt, địa bàn đầu tư của Chương trình là địa bàn trọng yếu của quốc gia về an ninh, quốc phòng, do vậy, việc thực hiện Chương trình hiệu quả là một trong những giải pháp để thực hiện phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân vùng biên, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng ở các địa bàn khó khăn, trọng yếu của cả nước.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá, từ những kết quả đạt được của chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020, việc tiếp tục chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình là 90.260 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 50.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 20.000 tỷ đồng), ngân sách địa phương là 21.760 tỷ đồng (vốn đầu tư 10.350 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 11.410 tỷ đồng), huy động hợp pháp khác khoảng 18.500 tỷ đồng (vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 7.500 tỷ đồng).

Chương trình cũng đặt ra những mục tiêu rất cụ thể là phấn đấu nâng cao thu nhập và bảo đảm các chiều dịch vụ xã hội cơ bản (về việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin) để tiến tới xóa bỏ nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều.

Đến năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5-4%/ năm; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Cùng với mục tiêu giảm nghèo, đề xuất cũng đặt ra mục tiêu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc làm bền vững và trợ giúp xã hội.

Theo đó, đề xuất đặt mục tiêu tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đang học các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 85%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%.

Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, tỷ lệ thiếu việc làm dưới 1,89%, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 45%, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 35%. Khoảng 3,5% dân số được hưởng hỗ trợ hàng tháng tại cộng đồng, 100% người gặp khó khăn được hưởng hỗ trợ xã hội đột xuất và 10% dân số sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội.

Chương trình được thực hiện trên cả nước; khuyến khích các địa phương vận dụng các chính sách, cơ chế giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết, để thực hiện Chương trình có hiệu quả, các giải pháp đồng bộ cũng sẽ được thảo luận cụ thể. Các nhóm giải pháp sẽ tập trung vào cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng vốn; phân bổ vốn dựa trên kết quả; đối mới cơ chế thanh quyết toán; đổi mới cơ chế lập, thực hiện kế hoạch; điều phối giám sát./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.