Đổi thay diện mạo vùng biên
Có dịp về những bản làng vùng biên của huyện Quan Sơn như Na Mèo, Sơn Điện, Tam Lư, Mường Mìn... chúng tôi ngạc nhiên bởi sự đổi thay của những vùng đất này. Nhờ được thụ hưởng nhiều dự án, chính sách dân tộc, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế của các xã được đầu tư khang trang, kiên cố. Nhờ đó, chất lượng sống của đồng bào DTTS được nâng cao. Với đặc thù là huyện vùng biên, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ không thể tách rời nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Là địa phương có Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Nậm Xôi và lối mở Kham (xã Tam Thanh) - Piềng Phưa (Sầm Tớ), cùng 6 xã với 16 bản biên giới nên Chương trình XDNTM ở đây càng trở nên đặc thù. Tiêu chí an ninh - trật tự được đặc biệt chú trọng để giữ an toàn - an ninh vì bình yên vùng biên giới. Về tiêu chí sản xuất và thu nhập của người dân vùng biên những năm gần đây cũng được huyện tranh thủ nhiều nguồn lực thực hiện với nhiều mô hình sản xuất. Cùng với đó, những tuyến đường, hạ tầng y tế, giáo dục phục vụ nhân dân cũng được đầu tư xây dựng, điều này đã tạo niềm tin với đồng bào về một chương trình lớn làm thay đổi nhiều lĩnh vực ở vùng sâu, vùng xa nơi đây.
Trên thực tế, đồng bào vùng biên giới càng khá giả về kinh tế, được học tập nâng cao trình độ nhận thức, được chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng nhiều dịch vụ và hệ thống hạ tầng thiết yếu sẽ càng thuận lợi cho công tác bảo vệ an ninh, không bị các thế lực thù địch lôi kéo.
Với hơn 60km chạy qua địa bàn huyện Quan Sơn, quốc lộ 217 đã được Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư khang trang và mở rộng, tạo ra sự kết nối liên vùng và sang nước bạn Lào. Đi dọc tuyến giao thông “xương sống” này, các tuyến đường xã, đường thôn cũng được kết nối, kiên cố hóa tạo nên sự lưu thông trong phát triển kinh tế - xã hội. Tư duy sản xuất hàng hóa của người dân trong huyện cũng được nâng cao với nhiều mô hình lúa đặc sản như J02, nếp Cay Nọi, những mô hình nuôi cá hồi, cá tầm... ngày càng phát triển.
Xây dựng NTM gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới
Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Chương trình XDNTM giai đoạn 2021-2025 của huyện Quan Sơn tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong 2 năm (2021-2022) và Quý I/2023, toàn huyện có thêm 5 bản đạt chuẩn Nông thôn mới, 2 bản đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Bình quân toàn huyện đạt 6,36 tiêu chí Nông thôn mới/xã, 2,82 tiêu chí NTM nâng cao/xã; 7,07 tiêu chí NTM/bản. Huy động được trên 47 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí NTM, xây dựng các sản phẩm OCOP. Kết quả lũy kế tính đến ngày 31/3/2023, toàn huyện có 2 xã, 56 bản đạt chuẩn NTM; 9 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Quan Sơn đứng thứ 24 trong 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa có số xã hoàn thành xây dựng NTM.
Đơn cử như xã Tam Lư, đơn vị đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng cao.
Chia sẻ với Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Lư cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động đã có hiệu quả, cán bộ và nhân dân trong xã nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình XDNTM là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Điều này đã khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại để người dân tích cực học hỏi, tham quan, chủ động xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi cho thu nhập tốt.
Nhờ có sự chỉ đạo của chính quyền, người dân đã chủ động trong phát triển sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, ổn định. Hiện nay, xã Tam Lư có hơn 3.000 ha rừng vầu, 1.875 ha rừng luồng phát triển tốt.
Theo bà Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn: XDNTM ở đây được xác định mang nét đặc trưng miền núi phù hợp với địa phương, đồng thời phát huy tiềm năng để biến khó khăn thành động lực và lợi thế. Cây vầu, cây nứa, nghề nan thanh cũng như kinh tế từ rừng đang giải bài toán thu nhập cho đồng bào trong huyện. Riêng trong công tác đối ngoại với các huyện của nước bạn Lào, tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng những năm gần đây huyện Quan Sơn đều hỗ trợ huyện Viêng Xay và Sầm Tớ nhiều công trình và mô hình kinh tế.
Từ năm 2023, hàng năm huyện Quan Sơn sẽ hỗ trợ mỗi đơn vị bạn 500 triệu đồng tiền mặt, trong đó có xây dựng một mô hình sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội theo biên bản hợp tác đã ký. Hiện tại, huyện đang hỗ trợ huyện Viêng Xay triển khai mô hình trồng lúa nước với diện tích 60 ha. Nhờ các chương trình tương trợ và chia sẻ lẫn nhau, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới ngày một gắn bó, đoàn kết, chung tay bảo vệ an ninh biên giới.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác duy trì, nâng cao các tiêu chí XDNTM được huyện quan tâm, thực hiện thường xuyên từ huyện, xã đến thôn, bản. Các cơ chế kích cầu XDNTM giúp đồng bào các dân tộc ở Quan Sơn tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh - trật tự, bảo vệ các tuyến đường biên, cột mốc góp phần trong công tác bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và đảm bảo an ninh biên giới trên địa bàn huyện.