Thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025, huyện Quan Sơn được dự kiến phân bổ là 150 tỷ đồng. Nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 được huyện kỳ vọng sẽ tạo “một luồng gió mới”, tiếp sức giải quyết những nhu cầu bức thiết về đời sống kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt giúp đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách có thêm điều kiện thuận lợi để bứt phá vươn lên.
Từ nguồn vốn Chương trình, huyện đã và đang triển khai 10 Dự án, với nhiều tiểu dự án và nội dung thành phần. Huyện đã xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, cấp bách nhất ở vùng DTTS và miền núi. Trong đó, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ giải quyết những nhu cầu bức thiết trong cuộc sống cho đồng bào ở những địa bàn khó khăn nhất; quá trình thực hiện không để trùng lặp, chồng chéo giữa các dự án, chương trình hỗ trợ.
Theo đó, đã có nhiều công trình cơ sở hạ tầng được cải tạo, xây dựng như: Hệ thống xử lý nước sinh hoạt thị trấn Sơn Lư; công trình nước sinh hoạt tập trung bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn; nâng cấp, cải tạo Trường PTCS Dân tộc bán trú xã Sơn Thủy; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa-Khu thể thao Khu 2, thị trấn Sơn Lư và bản Cha Khót, xã Na Mèo; xây dựng đường giao thông nội vùng thị trấn Sơn Lư. Đến nay, tỉ lệ đường giao thông được cứng hóa đến năm 2023 đạt 75%...
Cùng với đó, huyện triển khai hiệu quả việc hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, đối với diện tích rừng phòng hộ là 5.650 ha; Hỗ trợ bảo về rừng đối với rừng sản xuất, rừng tự nhiên là 9.308 ha; với tổng kinh phí thực hiện 4 tỷ 06 triệu đồng.
Ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Mục tiêu giai đoạn 2023-2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm trở lên; Thu nhập bình quân đầu người ở vùng DTTS và miền núi đạt 55,0 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác đạt 100%; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91% trở lên; xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; số lao động được tạo việc làm bình quân đạt 1600 người/năm...Để đạt được mục tiêu này, việc triển khai đồng bộ, với những giải pháp linh hoạt để thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình MTQG 1719, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch Trương Trọng Tuấn, trong quá trình triển khai các Dự án, nội dung thành phần của Chương trình, huyện chú trọng việc nắm bắt các văn bản, quy định của Nhà nước, các bộ ngành hướng dẫn; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết, huyện cũng đã chủ động, linh hoạt cách làm; còn nội dung nào vượt thẩm quyền, địa phương cũng đã phản ánh, đề xuất kiến nghị lên cấp có thẩm quyền kịp thời, với mong muốn đồng bào sớm được thụ hưởng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.