Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 13.530,59 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 13.045,441 tỷ đồng, bằng 96,4% kế hoạch.
Xác định nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023, trong 5 tháng đầu năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 18 văn bản; tổ chức 1 hội nghị giao ban toàn tỉnh, quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương tập trung thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của đơn vị, địa phương.
Đặc biệt trong tháng 5/2023, 5 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh do các lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng, đã tổ chức nhiều đoàn làm việc và đi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Những giải pháp quyết liệt nêu trên đã mang lại kết quả tích cực. Tính đến ngày 29/5/2023, giá trị giải ngân là 3.706 tỷ đồng (bằng 28,4% kế hoạch giao chi tiết, tuy thấp hơn 5,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cao hơn 7,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước, cao hơn 12,8% so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3/2023.
Trong đó một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch, như: Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 70,4%, chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước đạt 41,6%...
Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nỗ lực, cố gắng của các chủ đầu tư, toàn tỉnh có 52 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (tăng 9 chủ đầu tư so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3/2023), trong đó có 23 chủ đầu tư đã giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Cùng với 23 chủ đầu tư, toàn tỉnh có 43 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch (tăng 18 dự án so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3/2023), với số vốn là 284,695 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 29 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất; 4 dự án khó khăn vì giá vật liệu tăng cao; 1 dự án khó khăn trong công tác phối hợp giữa các đơn vị; 18 dự án khó khăn, vướng mắc khác; 4 dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức. Đến nay, còn 61 dự án chưa được quyết định đầu tư. Nguyên nhân là việc thiếu hụt nguồn cung đất đắp, giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều công trình chậm tiến độ. Tinh thần, trách nhiệm của các nhà thầu trong việc tổ chức các biện pháp thi công, hoàn ứng vốn còn thấp. Nhiều nhà thầu chưa tập trung máy móc, nhân lực, thiết bị thi công theo hồ sơ trúng thầu nhưng chưa được chủ đầu tư tập trung xử lý, dẫn đến các dự án chậm tiến độ.
Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với quy trình, thủ tục mới (không phải phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện theo các hướng dẫn mới của Trung ương, các dự án chủ yếu có quy mô nhỏ, nhiều nội dung chưa có hoặc chậm được hướng dẫn). Mặc dù là năm thứ hai thực hiện các chương trình, nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện các dự án khởi công mới, nên nhiều chủ đầu tư, địa phương có lúc, có việc vẫn còn lúng túng.
Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận và nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đề nghị các ngành, địa phương cần tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để sớm giao vốn đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với đó, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư. Dứt khoát đến 30/11/2023, các ngành, địa phương, đơn vị được giao vốn phải giải ngân trên 90% vốn được giao và đến 30/12/2023 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch.