Với hai tinh thần chính được gói gọn trong hai phần của tên tác phẩm, bao gồm “Núi” - Một trong những cảnh quan chủ đạo trong đời sống, văn hóa của đời sống đồng bào Mông; “Đêm” - Khoảng thời gian với những thanh âm và nhịp sống đã giúp người nghệ sĩ tìm được cảm hứng sáng tác.
“Núi đêm” ra đời mang trong mình tinh thần là một bản tình ca nơi cao nguyên tưởng chừng chỉ có những khối núi tai mèo khô khốc với mây mù bủa vây tứ phía. Bản tình ca là lời tự sự của một người con dành tặng cho cha mẹ đã sinh thành, những thế hệ tương lai của đồng bào như Cường. Xa hơn, “Núi đêm” là lời tri ân với những bậc tiên tổ đi trước của người Mông, những người trong suốt lịch sử đã thực hiện một hành trình thiên di kéo dài trong suối hàng nghìn năm lịch sử với tinh thần bất diệt “không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối của người Mông”.
Từ nền tảng mà tổ tiên để lại, những thế hệ người Mông tiếp theo, trong đó có Ly Minh Cường, được sinh ra, trưởng thành và cất cao tiếng sáo, điệu khèn. Qua đó, làm đẹp thêm bản sắc của đồng bào, cũng như làm rạng danh hai tiếng Việt Nam trên các sân khấu trong nước và quốc tế.
“Ngọc Anh được chúc mừng Minh Cường có một tác phẩm thật sự khiến người nghe trực tiếp cảm thấy xúc động và nó quá hay! Hay từ giai điệu mà Cường viết. Cái quan trọng nhất là Cường khai thác được chất liệu của vùng cao - nơi của Cường sinh sống với một câu chuyện rất xúc động, đó là từ những câu hát ru của bà”, NSƯT Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.
Cùng chung một tâm trạng với NSƯT Nguyễn Ngọc Anh, đồng thời bao chứa trong đó là nỗi nhớ về những ngày tháng trèo non lội suối, vừa biểu diễn, vừa “ba cùng” với đồng bào vùng cao trong những chuyến lưu diễn, khách mời Trung tá, Nhạc sỹ Nguyễn Hoàng Trung, hiện đang công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 2, chia sẻ: “Hôm nay là dịp của bạn Ly Minh Cường là đồng bào người Mông công bố tác phẩm mới, mình lại có cảm giác bồi hồi nhớ lại ngày xưa được nằm vùng với người Mông hai tháng, cùng ăn, cùng ở với bà con. Ngày giúp đỡ bà con xây nhà, lợp mái, tăng gia sản xuất. Chiều tầm khoảng 5h thì căng phông, màn, bạt, loa đài, rồi đem đàn ra hát giao lưu giữa cán bộ chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 2 cùng với bà con người Mông nhằm tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, mong bà con không nghe bọn xấu để di dân, di cư. Những dịp này với mình rất đáng quý khi bạn Cường có những tiếng sáo, tiếng khèn của người Mông rất hay, rất ý nghĩa, đem bản sắc văn hóa của người Mông nói riêng và bản sắc văn hóa dân gian, dân tộc của Việt Nam chúng ta nói chung được đem đến để truyền tải, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế”.