Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ sĩ Ưu tú Lò Văn Thọ với nghệ thuật múa dân gian

Lò Hải Lam - 10:10, 07/09/2024

Nhắc đến Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lò Văn Thọ, người con dân tộc Thái của mảnh đất Sơn La, công chúng yêu nghệ thuật đều biết anh là một biên đạo múa xuất sắc với nhiều tác phẩm sáng tạo mang đậm nét văn hóa dân gian các dân tộc vùng Tây Bắc. Nhiều năm gắn bó công tác tại Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La, NSƯT Lò Văn Thọ đã tạo được dấu ấn riêng trên con đường nghệ thuật của mình.

Tác phẩm múa “Lung linh sắc Xuân” do NSƯT Lò Văn Thọ biên đạo.
Tác phẩm múa “Lung linh sắc Xuân” do NSƯT Lò Văn Thọ biên đạo

Kết hợp truyền thống và hiện đại

Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Mường Chiên, bến sông Đà năm xưa, tuổi thơ Lò Văn Thọ đắm mình trên sông nước, tròng trành thuyền đuôi én với những buổi chiều tà bồng bềnh sóng nước Quỳnh Nhai. Cái duyên đến với nghề múa của anh thật tình cờ khi bạn bè giới thiệu và được NSƯT Đinh Công Pòn tuyển vào lớp múa. Năm 1996, anh theo học lớp trung cấp diễn viên múa tại Trường Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Sơn La. Ra trường năm 1998, Lò Văn Thọ về Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La công tác cho đến bây giờ.

Ngồi nhâm nhi ly cafe bên quán nhỏ trong buổi chiều hoàng hôn phố núi, NSƯT Lò Văn Thọ trải lòng về nghề, về nghệ thuật múa dân gian hiện nay. Với nghệ thuật múa, mình phải luôn làm mới mẻ, tiếp thu những tinh hoa, xu hướng hiện đại từ các nước phát triển, kết hợp với văn hóa truyền thống thì mới có được những tác phẩm hay, mang đến những rung cảm cho khán giả, từ đó tác phẩm múa mới có sức sống lâu bền. “Khi tôi thả hồn vào tác phẩm, những động tác múa lúc uyển chuyển, mềm mại như dòng sông Đà uốn lượn, êm đềm, hiền hoà chảy. Nhưng lúc sôi nổi theo âm nhạc thì cuồn cuộn như lũ cuốn trên sông gập ghềnh, thác tung bọt trắng xoá. Càng biên đạo nhiều tác phẩm, niềm đam mê yêu nghề ngày càng lớn đã thôi thúc tôi nghiên cứu, tìm tòi, khai thác và khám phá", NSƯT Lò Văn Thọ chia sẻ.

Những điệu múa dân gian dân tộc truyền thống vốn là cội nguồn của nghệ thuật múa, là chất liệu quý báu và trở thành nguồn cảm hứng vô tận đối với NSƯT Lò Văn Thọ. Anh chia sẻ: Bản sắc độc đáo được thể hiện trong mỗi tác phẩm múa là sự kết nối từ tinh hoa dân tộc, khơi nguồn cảm xúc nằm sâu trong tâm hồn người nghệ sĩ. Nhà hát có dàn diễn viên trẻ, đẹp, chuyên môn tốt nên chúng tôi làm việc với nhau trên tinh thần thoải mái, cùng nhau sáng tạo, kết hợp ăn ý, tạo điểm nhấn, mang hơi thở chung, đó chính là mấu chốt để tạo nên thành công cho một tác phẩm múa đương đại mang hơi thở dân tộc.

Chân dung NSƯT Lò Văn Thọ.
Chân dung NSƯT Lò Văn Thọ.

Sáng tạo trên chất liệu đời sống thực tiễn

Múa là môn nghệ thuật dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt nên để người xem hiểu được ngôn ngữ múa, thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ hình thể là một thử thách đối với cả diễn viên và biên đạo. NSƯT Lò Văn Thọ quan niệm, cái gì càng đơn giản, gần gũi, chân thực, mộc mạc thì càng hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Thế nên anh đã giành nhiều thời gian để đi thực tế, về với các bản làng của đồng bào DTTS để tìm hiểu, cảm nhận văn hoá dân gian dân tộc cũng như cuộc sống sinh hoạt đời thường của đồng bào vùng cao Sơn La. Từ đó sáng tạo, khai thác những tác phẩm mang hơi thở miền núi, có nội dung, ý tưởng tốt, đặc tả bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Người xem được đắm chìm trong không gian bản làng vùng cao đậm bản sắc cùng những câu chuyện tình yêu, những tích truyện hấp dẫn, kết cấu đẹp.

Khi nói đến tác phẩm múa tâm đắc nhất, NSƯT Lò Văn Thọ nhắc đến tác phẩm “Nhịp điệu đêm trăng” của mình. Đây là tác phẩm được sáng tác dựa trên chất liệu văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Mường huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Tác phẩm được lột tả về tình yêu bản mường của các chàng trai, cô gái trong đêm trăng giã gạo, một nét đẹp văn hoá từ xa xưa trong câu chuyện kể khua Đuống của dân tộc Mường vùng đất Phù Hoa. “Nhịp điệu đêm trăng” của anh đã giành được Huy chương Vàng trong Hội thi nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, năm 2015 (đợt 1).

NSƯT Lò Văn Thọ dựng bài trên sàn cùng tốp múa Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La.
NSƯT Lò Văn Thọ dựng bài trên sàn cùng tốp múa Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La

Đối với NSƯT Lò Văn Thọ, mỗi một tác phẩm sáng tác là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và ngôn ngữ nghệ thuật, phát triển phá cách trên tinh thần đảm bảo tính thời đại. Dựa trên những động tác múa cơ bản của các dân tộc được phổ biến rộng rãi trong các sinh hoạt văn hóa hoặc lễ hội truyền thống, anh đã sáng tác và phát triển để khái quát, vẽ lên bức tranh toàn cảnh thể hiện đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao. Nhiều tác phẩm múa NSƯT Lò Văn Thọ lôi cuốn người xem bởi sự sáng tạo, sắp xếp bố cục tạo hình, động tác múa phát triển logic, hài hòa. Điển hình như các tác phẩm: Chênh vênh, Đêm xuân chợ tình (múa dân tộc Mông); Vũ điệu bản em (múa dân tộc Khơ Mú), Nậm tẩu, Sắc piêu (múa dân tộc Thái)...

26 năm gắn bó với nghệ thuật múa, từ một diễn viên múa solit (múa chính), đến biên đạo múa, Chi Hội trưởng Chi hội múa TP. Sơn La, Chi Hội phó Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, NSƯT Lò Văn Thọ đã luôn cháy hết mình với nghệ thuật. Anh mong muốn có nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật múa dân gian dân tộc để anh có cơ hội “truyền lửa” tình yêu nghề múa cho thế hệ trẻ, từ đó “chắp cánh” cho nghệ thuật múa bay xa.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.