Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ sĩ Ưu tú Lê Minh Cừ với thanh âm của núi rừng

Hà Minh Hưng - 10:03, 31/05/2024

Để thẩm thấu mạch nguồn văn hóa dân gian các DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhạc sĩ Lê Minh Cừ đã nhiều năm ăn cùng, sống cùng đồng bào, từ đó tích tụ "phù sa văn hóa", bồi đắp chất liệu cho những giai điệu, lời ca sáng tác được thăng hoa.

Ngoài công việc chuyện môn, NSƯT Lê Minh Cừ thường về bản làng tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân gian
Ngoài công việc chuyện môn, NSƯT Lê Minh Cừ thường về bản làng tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân gian

Duyên nghiệp

Tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với chuyên ngành học Nhạc cụ dân tộc năm 2008, Lê Minh Cừ lên nhận công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh Lai Châu. Anh say mê với công việc sưu tầm, điền dã khắp các bản làng vùng cao của tỉnh Lai Châu. Từ những cuộc gặp gỡ với các nghệ nhân, nghe nghệ nhân hát, nghệ nhân chơi đàn, kể chuyện về văn hóa dân tộc, anh đã gom nhặt được cả kho chất liệu văn hóa để sáng tác ra những sản phẩm âm nhạc đặc sắc.

Năm 2016, Lê Minh Cừ và đồng nghiệp “trình làng” sản phẩm âm nhạc đầu tiên là đĩa DVD “Giai điệu quê hương”. Đây là tuyển tập những ca khúc được phát triển dựa trên chất liệu âm nhạc của đồng bào Mông tỉnh Lai Châu. Lê Minh Cừ chia sẻ, để thẩm thấu được mạch nguồn văn hóa dân gian các DTTS, anh đã chọn cách ăn cùng, sống cùng đồng bào. Từ cách nói, lối sống của đồng bào các dân tộc đến âm thanh cuộc sống vùng cao đã được anh vận dụng linh hoạt vào giai điệu các ca khúc của mình.

NSƯT Lê Minh Cừ chơi thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc
NSƯT Lê Minh Cừ chơi thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc

Lê Minh Cừ có khả năng dùng âm nhạc để lột tả bức tranh đa sắc màu của vùng cao. Đó là mùa lễ hội của các dân tộc vùng thượng nguồn Sông Đà: Người Cống Khao ơi! Thóc đã về đến bản mình chưa? Người Hà Nhì mình ơi! Thóc đã về đến bản mình rồi. Người Si La địu thóc trên lưng, người La Hủ bắc con sóc lớn. Chọn ngày con hổ, chọn vào mùa hoa, là mùa lễ hội thượng nguồn Sông Đà, mừng cho lúa mới cúng bản cúng rừng, hòa chung tiếng trống nhà nhà no ấm…” (Tìm về vạt nắng).

Hay các ca khúc: “Tiếng sáo mẫu tử”, “Nỗi nhớ hoa gạo”, “Lai Châu ơn Bác”, “Quê hương nơi thượng nguồn”, “Mặt trời bên khung cửi”, “Tiếng gà gáy trên đỉnh Phu Si Lung”... mang âm hưởng đặc trưng của dân ca dân tộc Cống, dân tộc La Hủ. Tiếng khèn Mông réo rắt gọi bạn trong “Ca khúc khèn Mông”; tiếng sáo mẹ, sáo con (pí me, pí pù) của đồng bào Lự trong “Song tẩu sáo Lự”…

Nghệ sĩ của núi rừng

Sự độc đáo của ngôn ngữ, phép ẩn dụ, so sánh và không gian vùng cao là thế mạnh trong các sáng tác của nhạc sĩ Lê Minh Cừ. Ca khúc “Tiếng sáo mẫu tử” là cảm hứng của nhạc sĩ về âm nhạc của dân tộc Lự ở Lai Châu với đủ cặp sáo mẹ, sáo con, gợi liên tưởng về tình mẫu tử. Lời ca khúc tựa áng thơ hay, rung động lòng người: “Vọng núi. Vọng rừng. Vọng suối. Vọng về đầu sàn. Tiếng của mẹ thấu vào đại ngàn. Tiếng của mẹ truyền vào lòng con. Tiếng sáo hồn thiêng của núi… Mùa bắp qua đi con lớn bằng mẹ. Hơi thở của con hòa cùng với mẹ. Mẹ vút lên cho ngô thêm xanh. Con vút lên cho bắp đều hạt”. Hay như nhạc điệu vui tươi trong bài “Che la la”: “Gạo trên sàng gạo quay quay quay, thóc trên sàng thóc xoay xoay xoay. Gạo giã cho thật đều đều đều, cùng nhau giã vui bản mường mình” là không gian ngày mùa rộn rã của người Hà Nhì ở huyện Mường Tè.

Chương trình thực cảnh “Đại ngàn khoe sắc” trong khuôn khổ Tuần Văn hóa và Du lịch huyện Tam Đường năm 2024, do nhạc sĩ Lê Minh Cừ Tổng đạo diễn
Chương trình thực cảnh “Đại ngàn khoe sắc” trong khuôn khổ Tuần Văn hóa và Du lịch huyện Tam Đường năm 2024, do nhạc sĩ Lê Minh Cừ làm tổng đạo diễn

Ngoài sáng tác và tham gia tìm hiểu văn hóa dân gian, nhạc sĩ Lê Minh Cừ còn viết kịch bản cho những chương trình biểu diễn lớn của tỉnh. Đặc biệt hơn nữa là sáng tác kịch bản sân khấu. Tôi từng xem vở diễn “Tình mẫu tử”, do anh viết kịch bản theo đơn đặt hàng của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Vở diễn nhân văn, xúc động kể về “người mẹ thứ hai” hy sinh hạnh phúc riêng để đùm bọc cho những đứa trẻ trong “mái nhà chung” ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh khiến cả hội trường lặng đi xúc động.

Nhiều chương trình, Lê Minh Cừ đảm nhiệm cả 3 vai trò: nhạc sĩ, biên kịch (kịch bản văn học), đạo diễn/tổng đạo diễn. Ở lĩnh vực nào anh cũng tròn vai xuất sắc. Hiện nay, anh thường xuyên được mời tham gia những chương trình nghệ thuật lớn trong và ngoài tỉnh; được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh “đặt hàng” viết kịch bản, tổng đạo diễn.

Tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân năm 2023, Đoàn Văn công Quân khu 3 tham gia biểu diễn chương trình ca múa nhạc “Mạch nguồn châu thổ”, do Lê Minh Cừ là tác giả kịch bản. Chương trình đã giành Huy chương Vàng. Cũng trong năm 2023, Lê Minh Cừ giành giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2023 với tác phẩm âm nhạc “Người Mông nhớ Bác”.

 Một chương trình nghệ thuật do nhạc sĩ Lê Minh Cừ Tổng đạo diễn
Một chương trình nghệ thuật do nhạc sĩ Lê Minh Cừ làm tổng đạo diễn

Sau hàng loạt giải thưởng định danh trên con đường nghệ thuật và những cống hiến không mệt mỏi cho văn hóa dân gian Lai Châu, tháng 11/2023, nhạc sĩ Lê Minh Cừ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.