Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Vương Vình: Bình yên đi qua những thăng trầm

Giang Lam - 08:28, 01/08/2022

Ánh mắt Nghệ sỹ ưu tú Vương Vình (dân tộc Tày) rạng rỡ, khuôn mặt lộ rõ niềm vui khi nghe chúng tôi nói về âm nhạc. Sau 3 lần tai biến nặng, có lúc bất lực tưởng như bỏ lại đằng sau tất cả, di chứng khá nặng nề khi không nói được, đi lại khó khăn. Vậy mà sau những biến cố, giờ đây ông vẫn đều đặn sáng tác nhạc, có tác phẩm đăng báo, đoạt giải trung ương. Bạn bè vẫn qua lại động viên, gọi đó là “kỳ tích” thế nhưng tôi hiểu sức mạnh đó được khơi nguồn từ đâu…!

Chân dung nhạc sĩ Vương Vình
Nhạc sĩ Vương Vình

Âm nhạc xoa dịu biến cố

Từ lúc thơ bé đến bây giờ Vương Vình sống trọn vẹn và hết mình trong thế giới âm nhạc. Có lẽ với ông, âm nhạc như đôi bàn tay chở che vỗ về để nương tựa, hết mình cống hiến và vươn lên khẳng định tài năng. 

Sinh ra và lớn lên ở bản làng người Tày thuộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), Vương Vinh mồ côi từ nhỏ, 9 anh chị em trong gia đình đùm bọc nuôi nấng nhau khôn lớn trưởng thành. Ngay từ năm tháng ngồi trên ghế nhà trường ông trở thành “hiện tượng” âm nhạc và được tuyển thẳng vào Đoàn ca múa nhạc Hà Giang. Sau đó, Vương Vình trở thành sinh viên Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong sự mong chờ, ủng hộ của cả gia đình, bạn bè.

Vào đời, Vương Vình trải qua nhiều biến cố. Sau đổ vỡ hôn nhân, ông may mắn gặp được người bạn đời dịu dàng, thủy chung nguyện sánh bước cùng ông đi qua những mất mát, thăng trầm. Cô giáo Nguyễn Thị Ngơi, Giảng viên Đại học Tân Trào - người vợ hiền thảo đã là điểm tựa, là “nguồn cảm hứng” để Vương Vình vươn lên trong cuộc sống cũng như thăng hoa trong nghệ thuật sáng tác.

Ngồi cạnh người bạn đời, bà Ngơi vui vẻ chia sẻ, chồng tôi là người thâm trầm ít nói và thường chỉ gửi gắm cảm xúc yêu thương qua âm nhạc. Ông dành tặng cho tôi nhiều tác phẩm như “Lời ru bên dòng lô”, “Nhớ về lời ru”, “Anh gọi em”… Trước đây, ông Vình thường ưu ái yêu chiều vợ, gọi bà là “người khơi nguồn xúc cảm đặc biệt nhất”. Bởi ông biết rằng thời thanh xuân, bà Ngơi phải vượt qua nhiều rào cản để nắm tay chồng xây dựng mái ấm hạnh phúc, bình yên.

Về nghỉ hưu, Nghệ sỹ ưu tú Vương Vình trải qua bạo bệnh, 3 lần bị tai biến, đột quỵ. Có những lúc Vương Vình bất lực khóc như một đứa trẻ. Ròng rã gần chục năm liền, Vương Vình ra vào bệnh viện liên tục, có lúc bán thân bất toại, không ăn, cũng chẳng nói được. Bà Ngơi vẫn dịu dàng, ân cần bên cạnh chăm lo thuốc thang và vồ vễ động viên chồng. Bà còn tự mình xoa bóp, luyện tập cho chồng một cách khoa học, bài bản. Ngày tháng trôi qua, cơ thể ông dần phục hồi, chân di chuyển được, dẫu không nói được nhưng ông đã có thể tự chăm sóc bản thân.

Và trong thời gian gần đây, NSƯT Vương Vình trở lại với âm nhạc. Với sự hỗ trợ của vợ, ông viết nhạc, gửi đăng báo, gửi tác phẩm dự thi. Năm 2020, tác phẩm “Lửa tình Sọong cô” đoạt giải Khuyến khích do Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số trao tặng. Ông run run lên trong niềm hạnh phúc khi cầm tờ chứng nhận giải thưởng và những nhạc phẩm được đăng tải trên Tạp chí Tân Trào. Với vợ chồng ông đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vì cả hai giúp nhau chiến thắng bản thân, đồng cam cộng khổ vượt qua.

Diễn viên Trung tâm văn hóa, Truyền thông Thể thao huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) biểu diễn ca khúc “Xuống chợ" của NSUT Vương Vình
Diễn viên Trung tâm văn hóa, Truyền thông Thể thao huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) biểu diễn ca khúc “Xuống chợ" của NSƯT Vương Vình

Khác với nhiều năm về trước, khi gặp ông, thế hệ hậu bối như chúng tôi được nghe ông thỏa sức chuyện trò, sẻ chia về âm nhạc. Ngày hôm nay đây, tôi ngồi cạnh ông, ông im lặng, mỉm cười lắng nghe mọi điều một cách chăm chú. Và khi nhìn vào đôi mắt NSƯT Vương Vình, ai cũng cảm nhận được khát vọng cống hiến nghệ thuật luôn cháy bỏng trong ông. Và tôi tin rằng, mai đây ông và người bạn đời sẽ tiếp tục cộng hưởng để sáng tác thêm nhiều khúc ca tình yêu dâng tặng cuộc đời. Bởi: “Em ơi em em ơi! Nếu mình thương nhau ta giữ trọn tình yêu... Nếu mình thương nhau nắm chặt bàn tay/ Nắm chặt bàn tay để tình duyên ta luôn thắm/ Để lửa tình trong tim cháy bỏng, cháy mãi muôn đời sau” (Lửa tình Soong cô).

“Lâu đài nghệ thuật” của riêng mình

Nhắc đến NSƯT Vương Vình người ta nghĩ đến một điều đối nghịch thú vị. Đó là một người hiền lành, ít nói cần mẫn vậy mà khi sống trong thế giới âm nhạc ông trở thành một con người hoàn toàn khác: một nhạc sĩ đắm đuối nhiệt huyết với nghệ thuật, linh hoạt, đầy sáng tạo, thông minh sắc sảo qua từng sáng tác. Trải qua những biến cố, thăng trầm, với những thành tích khá đồ sộ, NSƯT Vương Vình ghi danh qua nhiều cuộc thi âm nhạc nước nhà. Với những nỗ lực và cống hiến không biết mệt mỏi, trong năm 2012, nhạc sĩ Vương Vình vinh dự là người đầu tiên trong tỉnh được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú- giải thưởng danh giá cho những người có cống hiện trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Nhạc của Vương Vình mang nhiều âm hưởng lạ, đặc sắc. Người nghe như bị chìm đắm khi mỗi bài hát chất chứa thanh âm chảy trôi từ hiện tại vòng về quá khứ nhưng vẫn luôn hướng tới tương lai. Bao trùm lên trên hết là không gian khoáng đạt đặc trưng của thiên nhiên, con người miền núi. NSƯT Vương Vình chọn cho mình một con đường sáng tạo với đôi chân luôn chạm đất, ông mang vào sáng tác của mình tất cả những điều mắt thấy tai nghe, những điều trái tim cảm nhận được, làm nên một chất nhạc riêng biệt, đặc trưng của một nhạc sĩ vùng Đông Bắc Bộ.

Ca khúc "Núi rừng vang tiếng Páo Dung" đã đánh dấu tên tuổi của nhạc sĩ Vương Vình
Ca khúc "Núi rừng vang tiếng Páo Dung" đã đánh dấu tên tuổi của nhạc sĩ Vương Vình

Công chúng yêu âm nhạc đắm chìm với “Lời ru bên dòng Lô” êm ái, mượt mà; ca khúc “Xuống chợ”; ca khúc “Tiếng khèn” đậm chất dân tộc Mông; một “Ô xi tan quẩy ti nan” mạnh mẽ mà quyễn rũ của người Dao quần trắng hay một “Giấc mơ đại ngàn” tha thiết, sâu lắng. Quả thực, giai điệu của ca khúc có lúc êm ả, mênh mang như dải trăng tãi trên sườn núi: “Mùa trăng, trăng vàng soi từ trên núi. Em từ đâu về đây cùng với anh đang chờ. Người ơi, anh từ đâu đến, em chờ anh mãi, khát khao bao ngày dài. Từ lần đầu ta với nhau, mình bên mình ta đã trao lời yêu...” (Mùa trăng). Có lúc lại đưa người nghe dẫn lối vào không gian huyền bí, linh thiêng mà cuồn cuộn sức sống của văn hóa địa phương: “Ô hô ô hô ô hô, ê hê ê hê ê hê, tiếng Páo Dung vang vang vọng mãi khắp núi rừng bản ta/ Nghe vang vang câu hát Páo Dung ô ô hô ê ê hê ê hê/ Gửi vào nhau bao câu hát đắm say, gửi lời thương lời nhớ…” (Núi rừng vang tiếng Páo Dung).

Qua bao năm tháng NSƯT Vương Vình âm thầm sáng tác tựa như một khúc biến tấu lặng lẽ, cần mẫn tạo dựng “lâu đài nghệ thuật” riêng mình. Với không ít những giải thưởng nghệ thuật danh giá, điển hình như Huy Chương Vàng với tác phẩm “Ô xi tan quẩy ti nan” tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2004, Huy chương Bạc với ca khúc “Mùa trăng” tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt I năm 2009, Giải B với ca khúc “Đêm hội cồng chiêng” do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số trao tặng năm 2010…

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.