Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Âm hưởng Tây Nguyên trong ca khúc hiện đại

PV - 13:00, 24/06/2022

Trong trào lưu sáng tác âm nhạc Việt Nam thời gian gần đây, âm nhạc dân gian Tây Nguyên ngày càng được giới nhạc sĩ quan tâm khai thác, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, thu hút sự quan tâm của người yêu nhạc trong cả nước.

 Ca khúc mang âm hưởng, phong cách Tây Nguyên luôn thu hút công chúng Ảnh: ITN
Ca khúc mang âm hưởng, phong cách Tây Nguyên luôn thu hút công chúng Ảnh: ITN

Vừa truyền thống, vừa hiện đại

Chia sẻ tại tọa đàm “Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay” diễn ra vừa qua, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: “Mặc dù đến nay chưa có một tổ chức, cá nhân nào thống kê được đã có bao nhiêu tác phẩm âm nhạc được khai thác từ chất liệu dân gian Tây Nguyên, nhưng riêng về mảng ca khúc, chúng tôi ước tính có đến hàng trăm tác phẩm đã được vang lên. Có thể nói, hầu hết các ca khúc ra đời trong bất cứ hoàn cảnh, thời điểm nào, thời chiến hay thời bình đều có một điểm chung là vừa mang bản sắc truyền thống, vừa mang tính thời đại, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của công chúng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”.

Những người đầu tiên kế thừa và phát triển âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào sáng tác của mình một cách nhuần nhuyễn là nhạc sĩ Nhật Lai, nhạc sĩ Trần Quý và muộn hơn một chút là hàng loạt các tác phẩm ra đời trong kháng chiến chống Mỹ. Đến nay, nhiều tác phẩm vẫn vẹn nguyên trong lòng công chúng như Bóng cây Kơ nia (nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Ngọc Anh); Em là hoa Pơ lang (Đức Minh); Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh); Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (Lê Lôi); Người lái đò trên sông Pô Kô (Cầm Phong, thơ Mai Trang); Đắk Kroong mùa xuân về (Tố Hải)...

Sau ngày thống nhất đất nước, được thừa hưởng những giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên và tác phẩm của các thế hệ đi trước, nhiều trại sáng tác âm nhạc đã được tổ chức, động viên và thu hút đông đảo nhạc sĩ đến với Tây Nguyên. Kết quả là hàng trăm ca khúc và khí nhạc đã được ra đời, góp phần đáng kể vào đời sống âm nhạc của nước nhà. Trong đó, đáng kể nhất là những tác phẩm nổi tiếng như Tình ca Tây Nguyên của nhạc sĩ Hoàng Vân; Ngọn lửa cao nguyên của nhạc sĩ Trần Tiến; Hát giữa đêm trăng Chư Prông của nhạc sĩ Vũ Thanh; Đi tìm lời ru mặt trời của nhạc sĩ Y Phôn Ksor... Đặc biệt là nhạc sĩ Nguyễn Cường - một “hiện tượng” âm nhạc đáng chú ý nhất của Tây Nguyên từ trước tới nay, xuất sắc nhất là những tác phẩm được ông khai thác từ chất liệu âm nhạc của người Ê Đê như Hơ Zen lên rẫy, Ơi MĐrắk, Ly cà phê Ban Mê...

Những năm qua, các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam cũng đã sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc tiêu biểu, thể hiện rõ âm hưởng và phong cách Tây Nguyên. Nhiều ca sĩ đã chọn và đưa những ca khúc mang âm hưởng núi rừng vào các “đấu trường ca nhạc” danh tiếng trong và ngoài nước. Điều đó một lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt của phong cách âm nhạc này trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam.

Khai thác kho tàng quý giá cho âm nhạc hiện đại

Những giá trị của kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên chẳng những góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của vùng đất này trong quá khứ, hiện tại và tương lai mà còn đang tiếp tục có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển âm nhạc chung của cả nước. Nhạc sĩ Trầm Tích nhận định: Trong quá trình xây dựng nền âm nhạc mới, các nhạc sĩ luôn xem âm nhạc dân gian là kho tàng quý giá để xây dựng ngôn ngữ âm nhạc cho tác phẩm. Đa số thường sử dụng những nhân tố hoặc hình tượng mang bản sắc dân tộc bằng cách chắt lọc chất liệu từ âm nhạc dân gian như giai điệu, tiết tấu, hòa âm, khúc thức, thang âm, điệu thức… để xây dựng, tạo nên đường nét độc đáo, điển hình trong tác phẩm của mình. Ông đưa ra nhiều ví dụ về việc khai thác, sử dụng chất liệu âm nhạc Ê Đê trong các sáng tác mới, góp phần làm cho bài hát mang đậm tính dân tộc, được công chúng trẻ đón nhận nồng nhiệt, như Chú voi con ở Bản Đôn của nhạc sĩ Phạm Tuyên, phỏng lại âm điệu bài dân ca Chiriria của điệu hát Ei Rey; nhạc sĩ Mạnh Trí với tổ khúc giao hưởng Đam Sa và ca khúc Bài ca trên đồi; nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam đã sử dụng chất liệu và phỏng lại âm điệu dân ca Ê Đê, kết hợp cùng nội dung câu chuyện cổ để viết ca khúc Tình ca Cao nguyên...

Đồng tình với ý kiến trên, nhạc sĩ Mạnh Trí cho rằng, để sáng tác một ca khúc mới mang âm hưởng dân tộc, việc đầu tiên là phải tiếp cận, nắm bắt được chất liệu âm nhạc vùng miền của địa phương mà mình muốn viết, thông qua các bài bản dân ca và diễn tấu nhạc cụ truyền thống phổ biến, tiêu biểu và đặc trưng nhất. Tuy nhiên, việc này hiện nay khá hạn chế về môi trường tiếp cận, sưu tầm và gặp không ít những trở ngại khách quan khi bước vào thâm nhập thực tế, điền dã tại các buôn làng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Do đó, để vận dụng đưa vào sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Nguyên, nhạc sĩ Mạnh Trí gợi ý, người sáng tạo cần chắt lọc một vài giai điệu, tiết tấu độc đáo và đặc trưng, có tính phổ biến, tiêu biểu nhất trong một bài bản dân ca, dân nhạc của họ. Có thể khai thác các từ ngữ dân tộc lặp đi lặp lại để làm câu đệm, xen kẽ vào ca khúc mới… Nếu từ chất liệu nguyên gốc của bài dân ca, tác giả muốn phát triển, mở rộng thì cần tránh đưa thêm các giai điệu xa lạ với thang âm, điệu thức đặc trưng của âm nhạc truyền thống...

Nhiều nhạc sĩ cũng cho rằng, khai thác chất liệu âm nhạc dân gian cần được quan tâm nhiều hơn nữa, bởi điều đó không những làm phong phú kho tàng âm nhạc nước nhà, mà còn góp phần quan trọng để lưu giữ những giá trị văn hóa, âm nhạc dân gian các tộc người trên dải đất hình chữ S. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.