Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội…
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực hiện chủ trương chống dịch của Ban Chấp hành Trung ương, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ chốt, chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo, đến hôm nay đã tổ chức 20 phiên họp.
Thủ tướng đánh giá, diễn biến mới đây của virus SARS-CoV-2 làm cho diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp hơn, có nguy cơ gia tăng trở lại, do đó việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng nêu rõ, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu (PHEIC), nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.
Đối với Việt Nam, WHO khuyến cáo: Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục duy trì năng lực quốc gia, các thành tựu đã đạt được và chuẩn bị cho những sự kiện có thể xảy ra trong tương; đưa tiêm chủng vaccine Covid-19 vào tiêm chủng quốc gia (tiêm chủng suốt đời), tăng cường việc tiêm các mũi tăng cường, nhất là cho nhóm nguy cơ cao;
Tập trung giám sát trọng tâm, trọng điểm để phát hiện sớm các biến thể mới; nâng cao năng lực điều trị để giảm số ca tử vong, giám sát chặt chẽ thay đổi trong mức độ lây truyền, mức độ nặng của ca bệnh; chuẩn bị sẵn sàng vaccine, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, bảo đảm các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có; tiếp tục truyền thông, huy động sự tham gia của cộng đồng;
Tiếp tục rà soát, cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia, sẵn sàng, linh hoạt, nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ; tiếp tục các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine và tìm hiểu các tình trạng liên quan hậu Covid-19, cần giám sát chặt chẽ trong bối cảnh ca nhiễm tăng lên, sẵn sàng nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để bảo đảm khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.
Trên tinh thần đó, Phiên họp này nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất phương hướng thời gian tới; xem xét công bố hết dịch, kiện toàn Ban Chỉ đạo phù hợp tình hình mới; quyết định các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, các địa phương nghiên cứu báo cáo, đóng góp ý kiến để kiểm soát dịch bệnh bền vững, có khả năng ứng phó khi dịch xảy ra…
* Bộ Y tế cho biết về công tác phòng, chống dịch như sau: tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu ca khỏi bệnh (92,1%) và hơn 43.100 ca tử vong (0,37%), trong đó 99,9% số mắc được ghi nhận trong năm 2020 đến 2022. Số mắc trung bình hàng tháng năm 2021 là 144.000 ca, năm 2022 là 816.000 ca; tỷ lệ tử vong (chết/mắc) năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hằng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); cả nước ghi nhận 20 ca tử vong do Covid-19, tỷ lệ tử vong (chết/mắc) giảm mạnh xuống còn 0,02%. Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng Covid-19.
Trong tuần qua (từ ngày 23 - 29/5/2023), số ca nặng giảm 27,4% so với tuần trước, hiện còn 1.898 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 35 ca bệnh nặng đang được quản lý, điều trị tại bệnh viện các tuyến. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh Covid-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Đến ngày 29/5/2023, tổng số vaccine phòng Covid-19 đã tiếp nhận là 262.238.474 liều (tương đương với 190 đợt phân bổ vaccine), riêng trong tháng 5/2023 phân bố 11.980 liều vaccine AstraZeneca, hiện số vaccine đã phân bố nhưng chưa sử dụng là 2.623.939 liều).
Đến nay, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố tổng số liều vaccine đã tiêm là 266.406.399 liều và tỷ lệ bao phủ cho các nhóm đối tượng cụ thể như sau: Tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,0%; Tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi.
Cũng theo Bộ Y tế, bệnh Covid-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Xuất phát từ các lý do nêu trên, Bộ Y tế đề xuất áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm để điều chỉnh bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.
Về thẩm quyền công bố dịch: Thời điểm Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A: Thực hiện Điểm c Khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: “Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Y tế”.
Căn cứ vào điểm này và tình hình dịch Covid-19, năm 2020 Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc tại Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020.
Khi chuyển bệnh Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B: Thực hiện theo Điểm a, b, Khoản 2, Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế; Bộ trưởng Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố dịch.
Như vậy, dịch Covid-19 khi chuyển sang nhóm B không còn thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ; do đó Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 không còn phù hợp. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định công bố hết hiệu lực của Quyết định 447/QĐ-TTg.
Sau khi Quyết định công bố hết hiệu lực của Quyết định 447/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc đánh giá tình hình dịch tại địa phương và thực hiện các biện pháp đáp ứng chống dịch theo quy định.
Về điều kiện công bố hết dịch Covid-19: Thực hiện theo Khoản 1, Điều 40, Mục 1, Chương IV của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Khoản 1, Điều 5 của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Điều 1 của Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cần có 2 điều kiện: không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày; đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Về thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19: Thực hiện theo Khoản 2, Điều 40, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: “Người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền”…