Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV: Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Hoàng Quý - 18:20, 29/05/2023

Ngày 29/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, các Đại biểu Quốc hội đã được nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Về kết quả đạt được trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ tháng 1/2020 - 1/2023, Quốc hội đã ban hành 6 Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Nghị quyết, xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch; Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 23 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 35 Quyết định, hàng trăm văn bản để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; các bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều nỗ lực, chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình, kịp thời ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống Nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kỳ họp thứ nhất, trong đó quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tính đến 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230.000 tỷ đồng. Trên 11.600 tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vắc xin phòng COVID-19. Tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.

Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.

Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Trong đó, đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch; mua vắc xin phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19; mua sắm kit xét nghiệm; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế; hổ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến…

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Về kết quả đạt được của việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết qua giám sát cho thấy, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ và từng bước được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế.

Giai đoạn 2018 - 2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch COVID-19.

Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% các đơn vị hành chính cấp huyện đều có trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện đóng trên địa bàn, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, trên 70% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.

Hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh. Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ghi dấu trong cộng đồng quốc tế với nhiều “điểm sáng” như Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, cúm A(H1N1); khống chế, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm; cơ bản đã khống chế dịch HIV/AIDS và đặc biệt là việc kiểm soát được dịch COVID-19.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận

Thảo luận tại Hội trường, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ thống nhất với các nội dung của Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tuy nhiên, các Đại biểu cũng đồng thời nhận định vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho rằng hiện mô hình hoạt động của trung tâm y tế cấp huyện đang có sự không đồng đều, chưa thống nhất giữa các tỉnh thành, các địa phương, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập, tồn tại, hạn chế trong vận hành cũng như phát triển đồng bộ mô hình này. Với trạm y tế xã và công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở, đại biểu phản ánh hiện nay trang thiết bị của các cơ sở này đã cũ, nhân lực hạn chế, chế độ, chính sách chưa được đảm bảo, người dân còn thiếu tin tưởng, gây khó khăn trong việc thu hút bệnh nhân đến khám bệnh. Đại biểu đề nghị Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo sát sao và có giải pháp tháo gỡ để xử lý hiệu quả các tồn tại, hạn chế này.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cũng nhận định công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém của y tế cơ sở, ý tế dự phòng. Nguyên nhân chính là do y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư chưa tương xứng, cơ sở vật chất của nhiều đơn vị, nhất là các trạm y tế xã còn thiếu thốn, cơ chế tài chính còn nhiều vướng mắc, chậm được khắc phục, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng ở địa phuơng còn nhiều hạn chế, chế độ đãi ngộ, tiền lương còn thấp, chưa phù hợp…

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn việc củng cố, hoàn thiện đầu tư tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Trong đó cần tổng kết, đánh giá một cách toàn diện, trên cơ sở đó xây dựng, triển khai Đề án cụ thể về củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng cho phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền, không nhất thiết chỉ tổ chức theo đơn vị hành chính.

Sau phiên thảo luận, các ĐBQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo làm rõ một số vấn đề liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tiếp thu, giải trình nội dung đại biểu nêu.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Đoàn giám sát trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH, cảm ơn sự phối hợp của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các đơn vị, địa phương đã hỗ trợ, hợp tác với Đoàn trong quá trình giám sát.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã phân tích sâu sắc thêm những tồn tại, hạn chế, chỉ ra nhiều nguyên nhân, làm rõ hơn trách nhiệm liên quan, thống nhất cần có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, toàn diện, cụ thể, trực tiếp vào các nội dung của Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình và dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.