Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Qua những miền đất khát!

Nguyễn Thanh - 11:25, 17/06/2021

Mùa nắng đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với người dân vùng cao mà ngay cả khu vực đồng bằng, thậm chí vùng ven biển khi mà tình trạng thiếu nước diễn ra rất khắc nghiệt.

Chắt chiu giọt nước ngày nắng nóng
Chắt chiu giọt nước ngày nắng nóng

"Khát" suốt nửa năm

Mùa nắng ở vùng cao xứ Nghệ, chẳng khó để bắt gặp cảnh người dân lỉnh kỉnh những chai lọ, can nhựa đưa nước về nhà. Cũng chẳng khó để bắt gặp bao người dân chen chúc nhau ở một vòi nước nhỏ, chảy từ trong núi ra, khi xung quanh là cơ man những dụng cụ lấy nước còn bỏ trống.

Ông Lang Văn Tình, ở bản Kẻ Sùng, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông (Nghệ An) ngán ngẩm: Nhà ta có 2 giếng nước đấy, nhưng cứ đến mùa nắng là cạn hết. Mỗi năm nhà ta thiếu nước đến mấy tháng. Khổ không nói hết. 

Rồi ông Tình kể lại câu chuyện “cõng” nước của mình: Mùa hạn, sáng nào ta cũng phải xách hai can nhựa vào rừng, tận sâu trong các khe suối để lấy nước. Cả bản này đều thế cả. Không lấy nước thì chẳng có dùng đâu.

Nắng trên đầu, nóng dưới đất cùng với tình trạng thiếu nước trầm trọng khiến cuộc sống người dân quắt quay. Nhiều bản làng ở huyện Quế Phong cũng thiếu nước trầm trọng. 

Theo ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện này thì rất nhiều bản, làng đang thiếu nước trong mùa nắng nóng. Từ những bản Huồi Máy, thuộc xã xa trung tâm như Cắm Muộn cho đến các bản ở thị trấn Kim Sơn, hay xã Tiền Phong, các khu tái định cư mới được xây dựng cũng thiếu nước sinh hoạt dẫn tới cuộc sống người dân rất vất vả và gần như đảo lộn.

Lên huyện vùng cao Kỳ Sơn, câu chuyện về những ngôi làng “khát” khiến chúng tôi thêm ngậm ngùi. Giếng đào cạn kiệt, hệ thống nước tự chảy khô rang, nhiều con suối từng là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày đã trơ đáy… khiến nhiều thôn bản nơi đây mong nước suốt nhiều tháng.

Ngay tại “cổng trời” Mường Lống (Kỳ Sơn), việc thiếu nước sinh hoạt đã trở nên quá quen thuộc với người dân, bởi ở đây mỗi năm có đến hơn 5 tháng thiếu nước. Ông Và Chá Xá, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn cho biết, hầu như bản nào cũng thiếu nước sinh hoạt vào mùa nắng. Nhưng khó khăn nhất là bản Trung tâm, Mường Lống 1 và Mường Lống 2; người dân phải đi rất xa hàng km để lấy nước chắt từ các khe đá núi.

Khi đề cập đến những ngôi làng “khát”, ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, thông tin rằng, vào mùa khô, hơn 40% dân số ở huyện thiếu nước sinh hoạt. Các xã Mường Lống, Huồi Tụ, cơ bản người dân các bản đều thiếu nước. Tại xã Đoọc Mạy, Huồi Tụ và 2 bản Khăm 1, 2 của xã Bắc Lý, có đến 60% người dân thiếu nước sinh hoạt.

Hì hục đào giếng tìm nước
Hì hục đào giếng tìm nước

Để có đủ tư liệu cho bài viết này, chúng tôi đã phải đi qua nhiều vùng đất ở xứ Nghệ; “mắt thấy tai nghe” về nỗi khổ của những cư dân đang khát nước. Chợt nhận ra rằng, miếng cơm, manh áo, ở một thời khắc nào đó, đã không còn là nỗi lo như nỗi lo thiếu nước.

Cũng bởi thiếu nước sạch, người dân miệt biển đã phải tằn tiện, dè sẻn những giọt nước hiếm hoi cho cuộc sống thường nhật của mình. Cũng vì thiếu nước nhiều làng biển Quỳnh Lưu thêm “xơ xác”.

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu đã không dấu diếm: Các xã Quỳnh Thọ, Tiến Thủy, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long… đang thiếu nước sạch mùa nắng. Để “cầm cự”, người dân miền biển đã phải mua nước ngọt từ nơi xa về dùng với giá không hề rẻ.

Chắt chiu từng giọt nước 

Hỏi vì sao lại có những ngôi làng khát; vì sao cứ đến mùa nắng nóng, người dân lại phải vất vả vượt núi, cắt rừng cõng nước về dùng; hoặc thậm chí phải bỏ một khoản tiền lớn để mua; chúng tôi đã được nghe đầy đủ những nguyên nhân không hề mới.

Ở miền núi, đốt rừng làm rẫy, phá rừng bừa bãi… đang là nguyên nhân chính của tình trạng thiếu nước sinh hoạt bên cạnh các nguyên nhân khác như biến đổi khí hậu, công trình nước sạch đầu tư đã xuống cấp, huyện thiếu những hồ đập dự trữ nước. Đặc biệt là, nguyên nhân đến từ các dự án thủy điện. Với hệ thống thủy điện chằng chịt, vào mùa khô, vì lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư vẫn không chịu xả nước, bất chấp hạ du đang cạn kiệt. 

Đi dọc các huyện miền Tây xứ Nghệ mùa nắng, không khó để bắt gặp hình ảnh những dòng sông trơ đáy, phía trên đó là những đập thủy điện sừng sững, lạnh lùng chặn nước. Cực chẳng đã, người dân địa phương vẫn cay đắng khi gọi đó là “những dòng sông chết”.

Còn ở miền xuôi, sự xâm nhập mặn triều cường là nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, còn có nguyên nhân như nguồn nước bị ô nhiễm bởi các hoạt động sản xuất, nước xả thải sinh hoạt, nước thải các khu chăn nuôi…

Để có nước sinh hoạt, người dân tại các bản làng vùng cao đã phải góp tiền mua ống nhựa, rồi băng rừng, vượt núi để tìm nguồn nước kéo về tận bản. Đường ống dẫn quanh co theo triền núi, con dốc có khi đến mấy km. Còn vùng đồng bằng, những ngôi làng “khát” đã phải thuê thợ khoan, cuốc… hì hục nện xuống mảnh đất khô rang, nhưng rồi không phải lúc nào cũng có nước. 

Ông Phan Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Quang Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) trăn trở: Toàn xã có gần 2.000 hộ, thì một nửa trong số đó thường xuyên thiếu nước mùa nắng. Năm nào người dân cũng phải bỏ tiền thuê thợ đào giếng tìm nước rất tốn kém. Có những hộ đào đến 3 cái giếng mới có nước tạm dùng.

Trong khi người dân nhiều nơi đang quắt quay vì thiếu nước, thì không ít công trình nước sạch thi công xong nằm “đắp chiếu”. Nhìn từ con số hàng trăm công trình nước hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động, đã cho thấy một thực tế đầy bất cập. 

Đến nay, Nghệ An có 512 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại 17 huyện, nhưng chỉ có 105 công trình được đánh giá hoạt động hiệu quả, 171 công trình hoạt động trung bình; còn lại 105 công trình hoạt động kém hiệu quả và 131 công trình ngừng hoạt động….

Những đứa trẻ vùng cao phụ giúp gia đình lấy nước
Những đứa trẻ vùng cao phụ giúp gia đình lấy nước

Ông Phạm Duy Kỷ, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở NN&PTNT Nghệ An từng nói rằng: Để giải quyết vấn đề thiếu nước sạch, thì cần phải khảo sát kỹ trước khi đầu tư các dự án, tránh tình trạng xây xong mà không dùng được. Khi đã vận hành, phải bàn giao cụ thể cho từng đơn vị, gắn trách nhiệm để quản lý hiệu quả. Còn các hồ thủy điện cũng nên bỏ qua lợi ích kinh tế, ưu tiên để xả nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong điều kiện khô hạn.

Về giải pháp lâu dài, ông Kỷ nhấn mạnh thêm: Phải tuyên truyền bảo vệ rừng, tăng độ che phủ rừng để giữ nước đầu nguồn. Không giữ rừng để giữ nước thì thiếu nước sẽ ngày càng khốc liệt. Nếu không bảo vệ được nguồn nước, dù xây bao nhiêu công trình cấp nước cũng sẽ không đủ.

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.