Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khánh Hòa: Đồng khô, người khát...

Thành Nhân - 14:07, 03/06/2020

Sông, hồ khô kiệt nguồn nước, đa phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp phải bỏ vụ, hàng chục ngàn hộ dân thiếu đói, khan hiếm nước sinh hoạt… là bức tranh hiện thực đang diễn ra ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa, trước hạn hán gay gắt những ngày tháng qua.

Nắng hạn, không có nước sinh hoạt người dân miền núi Khánh Hòa phải ra suối đào hố múc nước về dùng
Nắng hạn, không có nước sinh hoạt người dân miền núi Khánh Hòa phải ra suối đào hố múc nước về dùng

Những ngày cuối tháng 5, ở huyện Diên Khánh, những cánh đồng thuộc hạ lưu hồ Suối Dầu quay quắt trong nắng hạn. Hàng nghìn ha lúa đã phải bỏ vụ vì không có nước tưới; thậm chí có những thửa ruộng đã được cày xới nhưng không thể gieo sạ do nắng hạn.

Theo ông Trương Văn Định, nông dân ở xã Suối Hiệp (Diên Khánh), cánh đồng Suối Hiệp phụ thuộc lớn vào nguồn nước tưới từ hồ Suối Dầu. Ngay sau khi kết thúc vụ Đông - Xuân, nông dân đã cày ải cho vụ Hè - Thu, nhưng vừa cày xong thì nhận được thông tin không có nước nên đành bỏ vụ.

Ông Nguyễn Đức Cường, Cụm trưởng quản lý hồ Suối Dầu cho biết: Hồ Suối Dầu có dung tích 32,8 triệu m3 nước, là một trong số những hồ chứa lớn của tỉnh. Hiện nguồn chính bổ sung nước vào hồ Suối Dầu là suối Đá Giăng đã kiệt dòng nên lưu lượng nước đổ về hồ Suối Dầu rất thấp, lượng nước trong hồ hiện đã chạm đáy.

Chia sẻ về tình hình thực tế ở địa phương, ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt trên địa bàn huyện. Bên cạnh thiếu nước sinh hoạt, vấn đề nan giải của Khánh Sơn hiện nay là hàng nghìn ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đang bị ảnh hưởng, giảm năng suất do thiếu nước tưới, điều này kéo theo nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo.

Người dân Cam Ranh phải mua nước sạch với giá cao về sử dụng
Người dân Cam Ranh phải mua nước sạch với giá cao về sử dụng

Tương tự huyện Diên Khánh, nhiều xã ở huyện miền núi Khánh Vĩnh cũng đang quay quắt vì nắng hạn. Như xã Khánh Hiệp, từ giữa năm 2019 đến nay, hàng chục ha ở Hòn Lay, Cà Thêu, Ba Cẳng không sản xuất được vụ nào. 

Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nhưng cũng không trồng gì được do hạn hán. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đang thiếu đói. Để kịp thời hỗ trợ các hộ vượt qua khó khăn trước mắt, địa phương đã kiến nghị UBND huyện xem xét, hỗ trợ gần 23 tấn gạo để cấp cho 784 hộ, với 1.526 nhân khẩu trên địa bàn.

Theo ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 2.500 hộ dân sinh sống tại các địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Vạn Ninh, Cam Ranh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước sinh hoạt. Để kịp thời hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, Sở đã có tờ trình tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng 11 giếng khoan, 1 trạm bơm dã chiến, nâng cấp 1 hệ thống nước sinh hoạt cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.

 Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống hạn tại các địa phương mới đây, ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề nghị UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, kiểm tra, triển khai những phương án ứng phó hạn hán. Các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các phương án sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí nước. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu, kiên quyết không để người dân bị đói, bị khát do hạn hán.

Để triển khai công tác chống hạn trước mắt, tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng để mua giống hỗ trợ người dân phải bỏ vụ không sản xuất được và nâng cấp các hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đề xuất Trung ương xem xét đầu tư xây dựng mới các hồ chứa theo thứ tự ưu tiên: Suối Sâu, Sông Cạn, Sơn Trung, Nước Ngọt với tổng mức đầu tư khoảng 966 tỷ đồng để cấp nước cho 32.000 hộ dân và 500ha đất sản xuất nông nghiệp.


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.