Thời gian ủ chua
Bà con có thể ủ thức ăn quanh năm, nhưng để dự trữ thức ăn cho vụ Đông thì nên tiến hành ủ từ khoảng tháng 9 đến 11 dương lịch. Thông thường nếu ủ chua đúng kỹ thuật có thể bảo quản thức ăn chua sau khi ủ từ 3 – 4 tháng.
Chuẩn bị dụng cụ và nơi ủ chua
Sử dụng túi nilon, thùng phuy, bể xây hoặc đào hố trong đất để ủ. Dụng cụ ủ có thể là hình vuông, chữ nhật hoặc hình trụ tròn; tốt nhất nên dùng dụng cụ để ủ có hình trụ tròn sẽ dễ nén nguyên liệu được chặt hơn.
Bà con nên chọn vị trí ở nơi cao ráo, râm mát, thoát nước tốt và có mái che mưa, che nắng. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình mà bố trí chuẩn bị dụng cụ ủ cho phù hợp. Cứ 1m3 dụng cụ ủ có thể đựng được từ 400 - 450 kg thức ăn xanh.
Nguyên liệu
Nguyên liệu ủ chua rất đa dạng và phong phú như rau bèo, cỏ VA06, cỏ Guatemalla, cỏ voi, thân chuối, thân cây ngô,… Ngoài các nguyên liệu chính trên thì để ủ chua cũng cần dùng muối ăn (để tạo sự ngon miệng, dễ ăn cho gia súc, đồng thời bổ sung thêm chất khoáng cần thiết khi sử dụng), mật rỉ đường và rơm khô hoặc bã mía khô.
Phương pháp ủ chua thức ăn cho gia súc
Ủ chua (ủ silô hay ủ xanh) là một quá trình làm giảm độ pH đến giá trị mà tại đó thức ăn có thể không bị hư hỏng. Do pH thấp nên khối ủ có mùi vị chua nên người ta gọi là ủ chua. Ủ chua là phương pháp đơn giản để bảo quản và thay đổi giá trị của thức ăn.
Nguyên liệu là thức ăn xanh trước khi đưa vào ủ phải có chất lượng tốt, còn tươi, không thối, mốc và được băm (thái) ngắn từ 4 - 6 cm. Khi đưa vào ủ phải đảm bảo có độ ẩm khoảng 65 - 70%, trường hợp độ ẩm trên mức này cần phơi qua cho rút bớt nước. Nếu thức ăn quá khô hoặc già thì bổ sung thêm nước cho đủ độ ẩm trên. Trường hợp gặp trời mưa không thể phơi được, có thể xử lý giảm độ ẩm bằng cách băm rơm khô hoặc bã mía rồi trộn đều với thức ăn cần ủ.
Nếu ủ trong bể xây hoặc hố đất bà con cần tiến hành đưa nguyên liệu vào và thực hiện các bước như ủ trong túi nilon nhưng chú ý nén kỹ ở 4 góc bể chứa, sau đó dùng nilon hoặc bạt đậy kín miệng bể ủ để không cho nước từ bên ngoài xâm nhiễm vào nguyên liệu ủ. Sau khi ủ từ 3 đến 5 ngày cần kiểm tra, nếu nguyên liệu ủ xẹp xuống thì phải bổ sung thêm để bể ủ luôn được nén chặt.
Bà con cũng có thể ủ thức ăn cho gia súc trong túi nilon: Sau khi nguyên liệu ủ đã được chuẩn bị xong, dùng rơm khô rải một lớp dày khoảng 10 - 15cm dưới đáy túi ủ, sau đó đưa nguyên liệu xanh vào theo từng lớp dày từ 15- 20 cm, giậm nén chặt rồi rắc đều một phần hỗn hợp (cám, muối ăn, đường mật) lên bề mặt; tiếp tục cho lớp nguyên liệu (lượt 2) vào túi, nén chặt và rắc đều hỗn hợp cám; cứ làm lần lượt như thế cho đến khi nguyên liệu đầy túi ủ. Khi túi ủ đã đầy thì rắc thêm một lượt hỗn hợp cám, sau đó dùng rơm khô rải dầy khoảng 5 cm lên bề mặt nguyên liệu, tiến hành vuốt hết khí và buộc chặt miệng túi bằng dây cao su. Trong khi ủ, quá trình hô hấp, lên men sẽ sinh ra khí và làm căng túi, do đó cần theo dõi thường xuyên để mở túi cho khí thoát ra rồi lại buộc chặt miệng túi lại.
Lưu ý
Khi đưa nguyên liệu vào ủ cần tránh làm rách túi nilon hoặc nếu che đậy bể ủ không kín thì quá trình lên men Lactic sẽ bị trở ngại và việc ủ chua sẽ không thành công.
Sau thời ủ khoảng 15-20 ngày, lấy thức ăn kiểm tra: Thức ăn có chất lượng tốt sẽ có mùi chua nhẹ, màu vàng sáng; thức ăn có chất lượng kém sẽ có mùi lạ, màu đen hoặc bị mốc.
Trong thời gian đầu chỉ nên cho vật nuôi ăn một lượng nhỏ cho bò quen dần, sau đó tăng dần số lượng, một ngày cho bò ăn khoảng 5-10kg thức ăn ủ chua ngoài ra có thể ăn kèm với cỏ xanh và rơm.
Tuy nhiên, không thể sử dụng hoàn toàn thức ăn ủ chua thay thế thức ăn xanh vì có thể gây rối loạn tiêu hóa gây ra tiêu chảy cho bò vì ăn quá nhiều.
Không nên cho gia súc dưới 6 tháng tuổi ăn, khi gia súc mang thai 2,3 tháng cuối, gia súc đang bị tiêu chảy và trước khi vắt sữa 2,3 giờ.
Khi lấy thức ăn từ bể hoặc túi ủ nên lấy gọn gàng, phần nào ủ trước thì lấy trước, lấy xong thì che đậy lại ngay nhằm hạn chế không khí lọt vào.