Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất

Như Ý - 23:30, 29/09/2023

Những năm gần đây, mô hình nuôi cá dìa trong ao đất đã phát triển mạnh ở một số địa phương. Cá dìa là đối tượng mang lại giá trị kinh tế cao, thuộc loài rộng muối, thịt thơm ngon chứa nhiều chất béo, bổ dưỡng, ít xương được thị trường ưa chuộng. Để việc nuôi cá dìa mang lại hiệu quả kinh tế cao, mời bà con tham khảo kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất sau đây.

Chọn giống

Cá dìa giống thường được đánh bắt, thu gom ngoài tự nhiên, nên chọn cá có màu sắc tươi sáng, không dị hình, vây vảy hoàn chỉnh, không bị sây xát, lỡ loét. Cá hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, kích cỡ tốt nhất là 20-25g/con trở lên.

Chuẩn bị ao nuôi

Ao có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, diện tích ao nuôi tốt nhất từ 3.000 – 5.000 m2, có thể sử dụng ao nuôi tôm không hiệu quả để nuôi cá.

Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ tránh thất thoát nước và cá trốn thoát, không có hang hốc là nơi trú ẩn của địch hại; mặt bờ rộng tối thiểu 1 – 1,5 m, độ cao an toàn bờ tối thiểu phải cao hơn mực nước cao nhất hàng năm là 0,5 m.

Hệ thống cấp thoát nước ở mỗi ao nên có 2 cống đối diện nhau, cống cấp nước cao hơn mặt nước ao, cống thoát nước thấp hơn nền đáy ao. Khẩu độ cống tùy theo diện tích ao.

Độ sâu mực nước của ao nuôi từ 1,2 – 1,5 m.

Đáy ao: bằng phẳng, hơi dốc về phía cống thoát nước.

(Tổng hợp) Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất 1

Kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất

Trước khi thả nuôi cá phải tiến hành cải tạo kỹ ao nuôi. Sau khi cày xới mặt ao, dùng 500 kg vôi bột rải đều mặt ao, đặc biệt bón nhiều ở những chỗ còn đọng nước. Dùng phân vi sinh và phân NPK để gây màu nước với hàm lượng 10kg phân vi sinh/100m2 và 3kg phân NPK/100 m2.

Thả giống vào lúc trời mát, thời gian thả 6-9 giờ sáng hoặc 5-7 giờ chiều, tránh lúc trưa nắng nhiệt độ cao. Nếu giống được vận chuyển kín thì ngâm túi chứa tôm, cá trong ao 15-20 phút sau đó mở túi để nước trong ao vào túi từ từ rồi thả ra ngoài. Nếu vận chuyển hở thì chúng ta đưa thùng vận chuyển xuống ao cho nước ao vào sau đó nghiên dụng cụ để tôm, cá tự bơi ra ngoài.

Mật độ thả nuôi: Cá dìa: 6 - 8cm, mật độ 2 - 3con/m2

Thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi cá dìa là thức ăn công nghiệp và các loại rong có sẵn trong ao hoặc thu vớt từ tự nhiên. Bà con cho cá ăn ngày 2 lần, thời gian cho ăn vào buổi sáng từ 7 - 8 giờ và buổi chiều từ 16 - 17 giờ.

Ngoài ra, cá dìa có thể sử dụng rong tảo tự nhiên có trong ao để làm thức ăn. Nếu rong trong ao không có thì vớt rong ngoài tự nhiên để làm thức ăn cho cá.

Định kỳ bổ sung: vitamin C với liều lượng: 5g/kg thức ăn, men tiêu hoá: 5g/kg thức ăn kết hợp với dầu mực: 10 -15 ml/kg thức ăn

Quan sát tình trạng sức khỏe cũng như diễn biến thời tiết để tính toán lượng thức ăn cho phù hợp

Đực biệt phải thường xuyên theo dõi mực nước trong ao nuôi để đảm bảo độ sâu thích hợp. Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao ương để có biện pháp xử lý kịp thời. Theo dõi các diễn biến thời tiết vào mùa mưa lũ để có biện pháp ứng phó.

Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra bờ ao và đăng cống nhất là khi mưa bão để tránh cá bị thất thoát ra ngoài.

(Tổng hợp) Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất 2

Một số bệnh thường gặp

Bệnh do kí sinh trùng

Các cơ quan bị nhiễm thường là mang và bề mặt thân với biểu hiện là mang có màu nhạt, cá yếu trong thời kỳ nhiễm bệnh. Ký sinh trùng sẽ phá huỷ các mô của ký chủ, tạo dịch nhày bám trên mang gây khó khăn cho hô hấp của cá. Khi bị nặng cá có thể chết hàng loạt

Để điều trị cần tắm cá bằng dung dịch formalin 70 - 150ppm trong 30 - 60 phút kèm sục khí mạnh hoặc bằng formalin 25 ppm trong 1 - 2 ngày kèm sục khí mạnh.

Bệnh do Virus

Thường gặp là hội chứng VNN (Viral Neutral Necropsis). Triệu chứng thường gặp là cá bơi mất phương hướng, nổi lập lờ trên mặt nước và thường chết hàng loạt. Các cơ quan bị nhiễm thường gồm não bộ và mắt. Cá bệnh thường có tỷ lệ chết cao và nhanh

Hiện nay chưa có biện pháp chữa bệnh, chủ yếu là phòng bệnh tổng hợp Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cá, tránh làm sốc cá khi vận chuyển và thả giống. Nuôi mật độ vừa phải, tránh thả quá dày để tăng cường khả năng kháng bệnh.

(Tổng hợp) Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất 3

Bệnh do vi khuẩn

Dấu hiệu thường gặp là lở loét, vây bị rữa, xuất huyết dưới da, có khối u, màu sắc đậm, mắt đục, mắt lồi có xuất huyết hoặc không. Phòng bệnh bằng cách duy trì mật độ cá thích hợp trong hệ thống ương nuôi, bảo quản tốt thức ăn của cá. Định kỳ tắm nước ngọt khi có nguy cơ nhiễm bệnh cao

Trị bệnh bằng cách dùng Tetracyline với liều lượng 200 mg/kg thức ăn và vitamin C với lượng 30 mg/kg thức ăn, sử dụng cho cá trong 5 - 7 ngày liên tục. Tắm nước ngọt cho cá bị bệnh 10 - 15 phút, sau đó xử lý bằng các loại thuốc hoặc hóa chất sau: Dùng Tetracyline với liều lượng: 10 - 20 g/m3 nước, thời gian tắm cho cá 15 - 30 phút; hoặc hòa tan dung dịch Formol 50 - 100 ml vào thùng chứa 100 lít nước biển để tắm liên tục 4 - 5 ngày cho cá, theo dõi hoạt động của cá. Chú ý, khi tắm cho cá phải kết hợp sục khí mạnh.

Thu hoạch

Sau thời gian nuôi 04 tháng, khi cá đạt kích thước 200 - 250g/con thì có thể tiến hành thu hoạch.

Nếu thu hoạch hàng ngày có thể sử dụng lưới bén, lưới có kích thước mắt lưới phù hợp. Nếu thu toàn bộ cá trong ao thì tháo cạn nước trong ao để bắt cá.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.