Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS &MN

Phú Yên: Tăng cường truyền thông, nâng cao chất lượng dân số

Thái Hà - Hòa Bình - 14:15, 06/11/2023

Xác định chất lượng dân số là một trong những yếu tố hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư nâng cao chất lượng dân số chính là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực phát triển nhanh và bền vững. Thời gian qua tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành vi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số cho cán bộ, đoàn viên công đoàn và lao động tại huyện Sông Hinh
Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số cho cán bộ, đoàn viên công đoàn và lao động tại huyện Sông Hinh

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, hàng năm Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đã phối hợp với các ban ngành, địa phương tổ chức các buổi truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đã phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số trực tiếp đến cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động tại các huyện Tây Hòa, Sông Hinh và TX Sông Cầu.

Nội dung truyền thông tập trung phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản, chính sách dân số pháp luật trong tình hình mới, như: tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, giáo dục giới tính cho vị thành niên, thanh niên...

Tại huyện Sông Hinh, bà Trần Thị Diễm Thắm, nhân viên Trường mẫu giáo Ea Bá, cho biết: Xã Ea Bá chủ yếu người đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống. Người dân ở đây theo chế độ mẫu hệ nên không đặt nặng vấn đề sinh con trai hay con gái. Tuy nhiên, vì đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên điều kiện chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con còn hạn chế. Chỉ những gia đình có điều kiện mới cho con đi học mầm non, nhiều cháu nhỏ vẫn được ba mẹ địu lên rẫy.

“Bản thân tôi, sau khi tham gia đợt truyền thông sẽ cố gắng góp sức mình vận động bà con đưa trẻ đến trường, vận động các gia đình sinh đủ hai con, chú trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con tốt”, bà Thắm nói.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phú Yên, cho biết thời gian qua, Chi cục luôn nỗ lực trong việc chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị có thế mạnh về thông tin, tuyên truyền; đa dạng hóa các hình thức truyền thông như: truyền thông trực tiếp, gián tiếp, truyền thông trên mạng xã hội… để đưa nội dung tuyên truyền về DS-KHHGĐ đến với người dân. Trong các nội dung tuyên truyền, chi cục chú trọng truyền thông thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số... Qua đó góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức của các cặp vợ chồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện KHHGĐ; đồng thời giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Cộng tác viên dân số đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, vận động về nâng cao chất DS-KHHGĐ
Cộng tác viên dân số đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, vận động về nâng cao chất DS-KHHGĐ

Những kết quả quan trọng

Nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng với sự phối hợp của các đơn vị, tổ chức…, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Khẩu hiệu, pháp lệnh dân số được người dân biết đến và nhiệt tình hưởng ứng; chất lượng dân số ngày càng được nâng cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển.

Theo số liệu của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, đến cuối năm 2022, tỉ suất sinh thô trên địa bàn tỉnh Phú Yên là 13,9‰, giảm bình quân 0,2‰/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm tỉnh giao (chỉ tiêu giảm mức sinh 0,2‰/năm); ước tính tổng tỉ suất sinh (TFR) đạt 2,07 con (mức sinh thay thế TFR ở khoảng 2,1 con); tỉ số giới tính khi sinh là 107,1 trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống (thấp hơn mặt bằng chung của cả nước: 111,5 bé trai/100 bé gái). Phú Yên là một trong chín tỉnh thành trên cả nước đạt mức sinh thay thế.

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm đến việc giáo dục giới tính sớm cho vị thành niên, thanh niên; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã quan tâm và tự nguyện tham gia các đợt truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Người dân cũng dần thấy được hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính, tảo hôn, kết hôn cận huyết, sự già hóa dân số và các thách thức trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác truyền thông dân số, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương cho biết, thời gian tới ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để tuyên truyền lồng ghép công tác DS-KHHGĐ; đẩy mạnh truyền thông tại các địa bàn có mức sinh cao; tuyên truyền chính sách dân số đến đối tượng khó tiếp cận như người di cư, thanh niên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền tại các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh là những vùng có mức sinh còn cao, chất lượng dân số thấp, hiện tượng tảo hôn còn diễn ra nhiều, kinh tế còn khó khăn, điều kiện giao thông không thuận lợi… Qua đó tiếp tục duy trì mức sinh thay thế của tỉnh; nâng cao chất lượng dân số; kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng phù hợp với từng nhóm đối tượng và đặc điểm văn hóa vùng, miền.

Tin cùng chuyên mục
Phước Sơn (Quảng Nam) đẩy lùi tập tục lạc hậu đối với người dân vùng đồng bào DTTS

Phước Sơn (Quảng Nam) đẩy lùi tập tục lạc hậu đối với người dân vùng đồng bào DTTS

Trong 2 ngày (ngày 16 và 17 tháng 10), huyện Phước Sơn tổ chức Chiến dịch truyền thông, nhằm bàn giải pháp xóa bỏ các tập tục lạc hậu và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng DTTS gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 27 về “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng đồng bào DTTS, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” của Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2024. Chiến dịch truyền thông được tổ chức tại xã vùng cao Phước Chánh và thị trấn Khâm Đức.