Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phú Yên: Cây mắc ca mở lối thoát nghèo cho người dân miền núi

T.Nhân-N.Triều - 09:23, 07/12/2023

Những năm gần đây, tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên đã chú trọng phát triển cây mắc ca, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mắc ca, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Phú Yên dành nguồn lực để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất. Vì thế, cây mắc ca được kỳ vọng sẽ trở thành cây mở lối thoát nghèo bền vững cho người miền núi Phú Yên.

Hướng đi mới cho nông nghiệp miền núi

Ealy là xã miền núi phía Tây của huyện Sông Hinh giáp với tỉnh Gia lai và Đăk Lăk; hơn 58% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Ê Đê và dân tộc Tày, Nùng di cư từ phái Bắc vào sinh sống. 

Lâu nay, người dân chỉ biết trồng một số loại cây như: Sầu riêng, cà phê, bơ và một số loại cây nông nghiệp ngắn ngày. Vài năm trở lại đây, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Triệu Văn Tân bên vườn cây mắc ca của mình
Ông Triệu Văn Tân bên vườn cây mắc ca của mình

Ông Bàng Văn Thành ở thôn Tân Bình, xã Ealy cho biết: Ngày trước ông có 1ha đất trồng cây cà phê và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, nhưng sau nhiều năm đất bị bạc màu nên sản lượng không cao, cùng với đó là giá cả lên xuống thất thường, nên hiệu quả kinh tế thấp. Được bạn bè giới thiệu, tìm hiểu về giống cây trông mắc ca. Năm 2018 ông đã mua 100 cây mắc ca giống về trồng thử nghiệm thay thế cây cà phê, xen với các loại cây dược liệu khác. 

“Nhận thấy mắc ca là loại cây dễ trồng, phù hợp với đất đai, khí hậu ở nơi này, chi phí đầu tư và công chăm sóc không nhiều, tôi đã chủ động liên hệ với các chủ vườn trồng cây mắc ca ở tỉnh Đăk Lăk được các nhà vườn chia sẻ kinh nghiệm, tôi mua thêm 300 cây mắc ca về trồng hết 1ha đất canh tác. Đến đầu năm nay, đã thu hoạch 1 ha thu hoạch được gần 4 tấn quả, với giá bán hạt mắc ca hiện nay trừ hết các chi phí, thì mỗi năm lãi tầm 150 triệu/ha”, ông Thành chia sẻ thêm.

Còn ông Triệu Văn Tân, ở thôn Tân Sơn cho hay: Khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương phù hợp với cây mắc ca nên lớn rất nhanh, ít sâu bệnh. Từ năm thứ 5 trở đi, cây trổ hoa rất dày, đậu nhiều trái. Gia đình ông đang có 2ha đất trồng mắc ca từ năm 2019 đến nay, cây mắc ca đã bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, năng suất đạt 15-20kg hạt/cây. Khi mắc ca bắt đầu ra quả, thì sẽ có thương lái tới đặt cọc tiền trước nên đầu ra ổn định, không phải lo lắng đi kiếm người thu mua.

Trong khi đó, tại xã, huyện Sông Hinh, ông Nguyễn Đức Tùng là một trong những người đầu tiên đưa cây mắc ca về trồng từ năm 2012, với tổng diện tích gần 3,5ha. Đến nay, hơn 350 gốc mắc ca trên diện tích này đang trong độ tuổi thu hoạch. Ông Tùng cho biết: So với các loại cây trồng khác, cây mắc ca khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng núi Phú Yên. Loại cây trồng này cũng không tốn nhiều công chăm sóc, lại cho giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Bình quân, mỗi năm vườn mắc ca cho hơn 3 tấn hạt; doanh thu từ 240-300 triệu đồng.

Vườn cây mắc ca của ông Bàng Văn Thành
Vườn cây mắc ca của ông Bàng Văn Thành

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sông Hinh, toàn huyện hiện có 68,6ha mắc ca, tập trung ở 2 xã Ea Ly và Ea Bar; trong đó khoảng 46ha đang vào độ tuổi thu hoạch. Đây là một loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát triển loại cây trồng này, người dân cần có nguồn cung cấp giống uy tín cũng như đảm bảo về đầu ra ổn định.

Tại huyện miền núi Sơn Hòa cũng có hàng chục ha mắc ca, được người dân tự trồng chuyên canh hoặc xen kẽ với các loại cây trồng khác; tập trung ở các xã Sơn Long, Sơn Hội, Sơn Xuân và Sơn Định. Trong đó, một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch.

Chị Kiều Thị Hạnh ở xã Sơn Long, cho biết: Năm 2012, chị trồng thử nghiệm hơn 1ha cây mắc ca. Từ năm thứ 3-4, cây mắc ca cho trái bói; đến nay thì thu hoạch ổn định mỗi năm khoảng 1 tấn/ha, cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng. Bên cạnh việc tự trồng, tôi còn thu mua mắc ca của bà con trong khu vực về phơi sấy, chế biến thành phẩm và tiêu thụ.

Hỗ trợ người dân sản xuất bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên, diện tích trồng cây mắc ca toàn tỉnh gần 100ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh. Giai đoạn 2021-2030, dự kiến toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 223ha mắc ca; trong đó có trồng thuần loài tập trung và trồng xen với các loại cây nông nghiệp, cây dược liệu khác. Đến năm 2045, diện tích trồng cây mắc ca có thể mở rộng khoảng 500-1.000ha tại những khu vực có điều kiện phù hợp để phát triển, tiến tới xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương nhằm giảm công vận chuyển, thời gian bảo quản sản phẩm khi thu hoạch.

Tuy nhiên, để phát triển loại cây trồng mới này, cần có các chính sách khuyến khích việc trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây mắc ca, như: chính sách hỗ trợ vốn đầu tư; hỗ trợ về pháp lý; các chủ trương, chính sách, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người trồng mắc ca. Tỉnh cũng cần hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, khảo sát thực địa và trồng khảo nghiệm cây mắc ca ở các tiểu vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Sau khi khảo nghiệm thành công, xác định nguồn giống thích nghi, ngành Nông nghiệp sẽ tiến hành rà soát lập quy hoạch vùng trồng cây mắc ca tập trung, đồng thời tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Ông Hoàng Đình Năm, chủ tịch UBND xã Ealy cho biết: Bước đầu có thể xác định cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội để người dân có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới địa phương sẽ, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân vay vốn mở rộng diện tích, đưa cây mắc ca trở thành cây chủ lực tại địa phương.

Dây chuyền sản xuất hạt mắc ca tại cơ sở của chị Bế Thị Nga
Dây chuyền sản xuất hạt mắc ca tại cơ sở của chị Bế Thị Nga

Theo GS Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, qua khảo sát của hiệp hội, các huyện phía tây của Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hòa có điều kiện thổ nhưỡng khí hậu thuận lợi để phát triển cây mắc ca. Cây trồng này có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn và ít sâu bệnh.

 Cây mắc ca có thể phát triển theo nhiều hình thức trồng thuần loài hoặc xen canh. Sau 5 năm, mắc ca cho thu hoạch, năng suất quả tươi khoảng 8 tấn/ha/năm; giá trị thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cam kết đồng hành, hỗ trợ tỉnh về kỹ thuật, cung cấp nguồn cây giống có chất lượng và sẽ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm mắc ca của nông dân 10 năm kể từ thời điểm nông dân sử dụng giống từ hiệp hội.

Đáng mừng là hiện nay, đã có người đầu tư máy móc để chế biến thành sản phẩm hạt mắc ca bán ra thị trường nên nhu cầu về nguyên liệu lớn, người dân trồng mắc ca không phải lo về đầu ra. Đơn cử như chị Bế Thị Nga, ở xã Ealy sau một thời gian nghiên cứu quy trình sản xuất ra các sản phẩm mắc ca, chị đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất hạt mắc ca.

 “Nhằm đảm bảo nguyên liệu chế biến, mỗi khi tới vụ thu hoạch, tôi đến từng nhà vườn trên địa bàn xã để thu mua với giá cam kết dao động từ 30 – 35 nghìn đồng/kg cả vỏ xanh. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho tôi tham gia các hội chợ thương mại quảng bá sản phẩm, hỗ trợ giúp cơ sở đăng ký sản phẩm OCOP để nhiều người biết đến sản phẩm của địa phương mình nhiều hơn”, chị Nga cho biết. 

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ: Mắc ca là cây trồng phù hợp với vùng đồi núi Phú Yên, có tiềm năng và giá trị kinh tế cao. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật phát triển cây mắc ca cho người dân, doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; xây dựng các mô hình trồng thí điểm cây mắc ca với quy mô phù hợp, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng. Khuyến khích các thành phần tham gia liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để hình thành vùng trồng thâm canh cây mắc ca tập trung; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển mắc ca theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.

"Tỉnh Phú yên đang tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho bà con đồng bào DTTS rất lớn. Vì thế, yêu cầu Sở Nông nghiệpvà Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liênquan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cây mắc ca, tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật về phát triển cây mắc ca cho người dân. Đặc biệt là tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn từ Chương trình để đầu tư trồng mắc ca", ông Hổ chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Liên Sơn ngày mới

Liên Sơn ngày mới

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai tại tỉnh Ninh Thuận đã tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc Raglay ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm đồng hành cùng người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng khó khăn.