Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phú Lương (Thái Nguyên): Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi từ dự án hỗ trợ giảm nghèo

Mỹ Dung - 14:56, 06/11/2024

Việc hỗ trợ trâu giống tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đang triển khai, kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho những hộ nghèo, cận nghèo, góp phần phát triển kinh tế. Bên cạnh được hỗ trợ con giống, kỹ thuật, thì các hộ dân mong muốn được hỗ trợ hơn nữa về công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong thời điểm thời tiết giao mùa đang đến.

Hàng ngày, ông Vượng cùng vợ cho chăn trâu ăn từ cỏ voi
Được hỗ trợ trâu cái, vợ chồng ông Bàn Hữu Vượng phấn khởi, thực hiện chăm sóc vật nuôi theo hướng dẫn kỹ thuật đã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn

Gia đình bà Nông Thị Gương, xóm Làng Muông, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, là hộ cận nghèo của địa phương được hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản. Bà Gương chia sẻ, từ bao lâu nay, kinh tế của gia đình chủ yếu do bà đi làm thuê nên cuộc sống còn nhiều khó khăn và bấp bênh. Bà hi vọng "cần câu cơm" này sẽ là trợ lực giúp gia đình tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

“Gia đình tôi rất phấn khởi khi là một trong những hộ được hỗ trợ 2 con trâu giống. Hằng ngày, tôi vẫn chăm sóc, cho trâu ăn cỏ, chuối... Hiện tại, 2 con trâu của gia đình đang rất khỏe mạnh. Nhưng bây giờ đang là thời tiết giao mùa nên cũng rất lo và mong chính quyền địa phương cũng như cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tiêm vác–xin cần thiết, để phòng dịch cho trâu”, bà Gương tâm sự.

Ông Bàn Hữu Vượng, dân tộc Dao, trú tại xóm Cộng Hòa (xã Động Đạt) là một trong các hộ nghèo được hỗ trợ trâu cái giống theo Dự án hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương năm 2024.

Từ nhỏ, ông Vượng đã bị đục tinh thể kèm nhiều bệnh lý về mắt nên thị lực rất kém; chỉ làm được công việc ở những nơi đã thuộc địa hình. Hằng ngày, ông Vượng cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hoan trồng cỏ voi và chăn trâu. Vợ chồng ông Vượng hi vọng sang năm, trâu sinh trưởng tốt, để gia đình có nguồn thu, từ đó trả khoản nợ 60 triệu đồng vay ngân hàng từ nhiều năm nay.

“Hiện tại, với trâu được hỗ trợ, vợ chồng tôi đang cố gắng nuôi và chăm sóc theo đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn. Tôi hy vọng chúng sinh trưởng tốt và sinh sản, có thêm thu nhập cho gia đình. Tôi cũng mong chính quyền và các cơ quan hỗ trợ cho gia đình tôi cũng như các hộ khác trong xóm, trong xã được cấp thuốc phòng bệnh định kỳ để bảo vệ được đàn trâu bò không bị bệnh”, ông Vượng bộc bạch.

Để người dân được tiếp cận với nguồn sinh kế năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế giúp giảm nghèo bền vững và góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Lương đã triển khai Dự án “Hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 3 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương năm 2024”.

Theo đó, năm 2024, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên thực hiện cấp phát 48 con trâu cái giống cho 24 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của 3 xã Động Đạt, Yên Ninh và Yên Đổ. Tổng kinh phí hỗ trợ là trên 1,1 tỷ đồng, Nhân dân đối ứng trên 28 triệu đồng. (Tiêu chuẩn trâu Việt Nam có khối lượng từ 215 - 220kg/con); hỗ trợ thêm vật tư (tảng đá liếm 3kg/con, thức ăn tinh dạng viên 60kg/con, chế phẩm xử lý chuồng trại 0,75kg/con cho các hộ nông dân tham gia dự án).

Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hỗ trợ giảm nghèo là rất cần thiết
Vào những tháng cuối năm, nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn gia súc phát sinh, do vậy công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hỗ trợ giảm nghèo rất cần được bà con chú ý

Ông Nguyễn Huy Hà, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương cho biết, vào những tháng cuối năm 2024, nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm trên động vật có khả năng phát sinh và lây lan. Do vậy, đơn vị chú trọng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, nhất là tại các địa bàn thường xuyên để xảy ra dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tiêm phòng, trong đó tổ chức các đợt tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi nhằm phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm phổ biến, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt mức tối thiểu theo quy định để tránh bùng phát dịch bệnh; xây dựng hệ thống giám sát theo dõi sức khỏe vật nuôi tại các trang trại, hộ chăn nuôi và cộng đồng. Phân công nhân viên thú y cần thường xuyên thăm các hộ để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vật nuôi bị nhiễm bệnh.

"Chính quyền địa phương và đơn vị kỳ vọng, mô hình sẽ góp phần thay đổi phong tục tập quán chăn nuôi lạc hậu, kém hiệu quả chuyển sang phương tức chăn nuôi tiến bộ, từng bước nâng cao đời sống người dân xã vùng cao Phú Lương, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững", ông Nguyễn Huy Hà, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương chia sẻ thêm.


Tin cùng chuyên mục