Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tánh Linh (Bình Thuận): Nỗ lực chuyển đổi nghề và an cư cho người nghèo vùng DTTS

T.Nhân - H.Trường - 15:18, 05/11/2024

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, huyện miền núi Tánh Linh đã và đang phát huy tốt nguồn lực từ dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Qua đó, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 giúp nhiều hộ nghèo an cư.
Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 giúp nhiều hộ nghèo an cư

Sức bật cho đồng bào DTTS thoát nghèo

Đến bây giờ, chị Thị Nghỉn (40 tuổi, khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh) vẫn chưa hết vui mừng, vì có được căn nhà mơ ước sau nhiều năm mong đợi. Chị kể, trước đây do cuộc sống khó khăn, cái ăn cái mặc đối với gia đình chị cũng là cả một vấn đề lớn, nên không dám nghĩ đến chuyện có một căn nhà khang trang để ở. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cùng với số tiền vay mượn được, vợ chồng chị đã xây dựng được căn nhà kiên cố với đầy đủ tiện nghi cơ bản.

“Cuối năm ngoái, gia đình được vay 40 triệu đồng từ Nghị định 28 và 40 triệu đồng được hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước theo Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719 để xây dựng được căn nhà mới. Cùng với số tiền tích góp và sự giúp đỡ ngày công từ người thân, hàng xóm, căn nhà mơ ước đã hoàn thành, với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng”, chị Nghỉn vui vẻ nói.

Hay với trường hợp của chị Lê Thị Trang, 33 tuổi, ở thị trấn Lạc Tánh, từ số tiền được hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719, đến nay gia đình chị đã hoàn thành căn nhà kiên cố sau nhiều năm mong mỏi. Chia sẻ về niềm vui khi được hỗ trợ tiền làm nhà, chị Trang nói: "Gia đình mình thuộc hộ nghèo, nhờ những chính sách hỗ trợ từ chính quyền các cấp, đến nay đời sống kinh tế đã khá hơn, con cái được ăn học đàng hoàng".

Chị Thị Nghỉn có được nhà kiên cố từ sự hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719.
Chị Thị Nghỉn có được nhà kiên cố từ sự hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719

“Được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với số tiền dành dụm và vay mượn thêm khoảng 100 triệu đồng, gia đình đã cất được căn nhà mới. Ngoài việc được hỗ trợ tiền làm nhà, gia đình còn được vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề nghiệp. Đến nay, vợ chồng đã trồng được diện tích cà phê khá, đang trong giai đoạn phát triển, hi vọng trong thời gian tới sẽ có thu nhập. Trong năm 2025, chúng tôi sẽ đăng ký thoát nghèo và tiếp tục cố gắng để làm ăn”, chị Trang chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Trọng Vân, Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Tánh cho biết: Tuy là thị trấn nhưng Lạc Tánh có đến 3 khu phố thuần đồng bào DTTS, trong đó có khu phố Trà Cụ và Tân Thành thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đồng bào DTTS còn rất cao, với khoảng 240 hộ. Vì vậy, các chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Không những được hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà, chị Lê Thị Trang còn được vay vốn để phát triển kinh tế.
Không những được hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà, chị Lê Thị Trang còn được vay vốn để phát triển kinh tế

“Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà ở và 10 triệu đồng để chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, nhiều hộ dân còn được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chương trình MTQG 1719 còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp địa phương phát triển về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ về nhà ở, chuyển đổi nghề nghiệp còn ít, địa phương mong muốn nâng thêm mức hỗ trợ để hỗ trợ thiết thực cho người dân”, ông Vân đề xuất mong muốn.

Đẩy mạnh phát huy nguồn lực

Bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn giúp cho người nghèo an cư, chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh triển khai công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề cho bà con vùng DTTS. Nhờ đó, trong 2 năm qua, hàng trăm hộ ở các xã nghèo được vay vốn để chuyển đổi nghề. Đơn cử như ở La Ngâu, Măng Tố là 2 xã thuần đồng bào DTTS của huyện Tánh Linh, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, địa phương đã quyết liệt triển khai các chính sách, đặc biệt là thực hiện Chương trình MTQG 1719, giúp cho hàng trăm hộ nghèo được vay vốn để chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 khảo sát chương trình vay vốn ở Tánh Linh.
Ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 (Ủy ban Dân tộc) khảo sát chương trình vay vốn ở Tánh Linh

Là hộ nghèo ở xã La Ngâu, chị Hoàng Thị Liễu (30 tuổi, dân tộc Cơ Ho) được chính quyền hỗ trợ cho vay ưu đãi 70 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Từ khi được vay vốn, chị đầu tư vào nuôi trâu, heo, đến nay kinh tế đã từng bước ổn định.

“Thời điểm được Nhà nước giải ngân số tiền vay, tôi vừa mừng vừa lo và đặt quyết tâm phải phát triển kinh tế hiệu quả để trả nợ và cải thiện cuộc sống. Việc được tiếp cận với vốn vay để làm ăn đã tạo động lực rất lớn để người dân chúng tôi cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo”, chị Liễu chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Lệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, tính đến nay, tổng vốn Chương trình MTQG 1719 đầu tư cho huyện Tánh Linh giai đoạn 2022 - 2024 là hơn 89 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 61 tỷ đồng, đạt 68,5% tổng vốn. Nguồn kinh phí này đã giúp địa phương hoàn thiện nhiều công trình, dự án và chính sách quan trọng, tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS. 

Đặc biệt, Dự án 1 về hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề và vay vốn theo Nghị định 28/NĐ-CP/2022 đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho đời sống của bà con.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra việc triển khai Chương trình MTQG 1719 ở thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh.
Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra việc triển khai Chương trình MTQG 1719 ở thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh

Theo đó, thực hiện Dự án 1, huyện Tánh Linh đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng trong tổng số vốn hơn 14,1 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi nghề cho người dân tại các xã Măng Tố, La Ngâu, Đức Bình, Đức Thuận, Gia Huynh và Suối Kiết. Cụ thể, năm 2022, địa phương đã triển khai chương trình để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 74 hộ và chuyển đổi nghề cho 44 hộ, đạt tỷ lệ giải ngân hơn 92%. 

Năm 2023, 56 hộ DTTS đã được hỗ trợ xây  nhà mới, vốn chuyển đổi nghề giải ngân đạt 100%. Sang năm 2024, chương trình tiếp tục hỗ trợ xây dựng 92 căn nhà và cung cấp vốn vay để người dân đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò, máy móc sản xuất.

Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 được sử dụng để tu bổ, sửa chữa Trường Phổ thông DTNT tỉnh Bình Thuận.
Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 được sử dụng để tu bổ, sửa chữa Trường Phổ thông DTNT tỉnh Bình Thuận

Ông Nguyễn Đăng Lệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh chia sẻ: Các nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian qua. Địa phương rất quyết liệt trong triển khai thực hiện Chương trình để phát huy hiệu quả nguồn vốn. "Với kinh phí được phân bổ, đến nay, đã có hàng trăm hộ dân được hỗ trợ tiền làm nhà, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, các cấp cần quan tâm nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng thụ hưởng để bà con có điều kiện an cư, lạc nghiệp”, ông Lệ cũng đề đạt ý kiến.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.