Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nguồn lực Chương trình MTQG thúc đẩy vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận khởi sắc

Minh Thu - 16:53, 26/10/2024

Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận.

Diện mạo mới ở vùng đồng bào DTTS xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc (Ảnh: Nguyễn Thanh)
Diện mạo mới ở vùng đồng bào DTTS xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Nâng cao chất lượng sống cho đồng bào DTTS

Tỉnh Bình Thuận đã đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn Chương trình MTQG 1719 trong các năm 2022 và 2023, đồng thời phấn đấu đạt 95% cho nguồn vốn năm 2024. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo và đôn đốc các sở, ngành, địa phương phân bổ và giải ngân vốn cho các dự án. Đối với những tiểu dự án có tiến độ giải ngân chậm, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp để tăng tốc tiến độ thực hiện.

Ông Nguyễn Hồng Hải Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ở huyện Tánh Linh, 3 năm qua, với nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay. Huyện tập trung hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Bà con được hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi, sản xuất… để phát triển kinh tế.

Điển hình như hộ ông Lý Tuyết Linh đã được chính quyền hỗ trợ vốn để mua heo về nuôi. Nhờ những kiến thức được tập huấn, ông Linh áp dụng vào chăn nuôi có hiệu quả, từ đó, ông mua thêm rẫy để trồng điều. Đến nay, ông Linh đã có nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi, trồng trọt và xây dựng căn nhà mới khang trang, rộng rãi.

Để tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, chính quyền huyện Tánh Linh đặc biệt chú trọng liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi như chương trình trồng cỏ và bắp rồi ủ men ra thành phẩm thức ăn gia súc đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hay mô hình trồng rau cạn với trên 900ha đậu xanh, đậu đen, mè… 

Cùng với đó, huyện cũng chú trọng đến việc phát triển lợi thế về rừng bằng cách nhân rộng các mô hình trồng, chế biến cao su và một số loại cây khác như tiêu, điều. Toàn huyện đã có 4.500ha điều, 22.000ha cao su, 300ha tiêu… đạt sản lượng cao

Cây thanh long được đưa vào canh tác đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS ở tỉnh Bình Thuận.
Cây thanh long được đưa vào canh tác đang góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS ở tỉnh Bình Thuận

Còn ở Hàm Cần, một xã thuần đồng bào DTTS của huyện Hàm Thuận Nam, trong đó chủ yếu là đồng bào Raglay sinh sống (chiếm hơn 85% dân số), từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, chính quyền địa phương đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, với việc xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên xã tạo thuận lợi cho giao thông đi lại và phát triển hàng hóa. Đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con, thông qua việc hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất gắn với tạo công ăn việc làm cho người dân.

“Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Cùng với canh tác truyền thống như lúa nước, mì, bắp lai… thời gian gần đây, xã vận động bà con trồng thêm cây ăn quả như xoài, điều, thanh long và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế”,  ông Nguyễn Văn Sông, Chủ tịch UBND xã Hàm Cần cho biết.

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ Chương trình MTQG 1719

Trong những kết quả đạt được, vai trò của cơ quan công tác dân tộc ngày càng được thể hiện rõ. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án Chương trình MTQG. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận: Xác định Chương trình MTQG 1719 là nguồn lực quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế và xóa đói giảm nghèo cho người dân, tỉnh Bình Thuận đã sớm ban hành các nghị quyết, quyết định theo thẩm quyền; Đồng thời, chỉ đạo Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành, đẩy mạnh tiến độ giao vốn và giải ngân, bám sát tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tại các địa phương để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời. Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực thực hiện Chương trình và đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Đường vào khu sản xuất Đan Sách, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc được nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.
Đường vào khu sản xuất Đan Sách, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc được nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

“Địa phương tăng cường công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, đầu tư hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 để hỗ trợ cho bà con vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho Người có uy tín ở địa phương được thực hiện tốt, cùng với đó là phát huy vai trò của Người có uy tín trong cộng đồng ngày càng hiệu quả”, ông Tân khẳng định.

Điển hình như huyện Tánh Linh là một trong những địa phương điển hình trong giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719. Trong 3 năm qua (2022 - 2024), với tổng nguồn vốn hơn 89 tỷ đồng, huyện đã giải ngân được hơn 61 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 68,5%). Đối với nguồn vốn sự nghiệp, huyện đã giải ngân 15,4/26,3 tỷ đồng (đạt 58,71%); vốn đầu tư giải ngân 45,2/62,7 tỷ đồng (đạt 72,61%).

Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cho biết, trong 3 năm (2022 - 2024), từ Chương trình MTQG 1719, với tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện là 427.547 triệu đồng (Trong đó, ngân sách Trung ương 370.480 triệu đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 57.067 triệu đồng), toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân 233.589 triệu đồng, đạt 54,6% kế hoạch vốn giao. (Trong đó, vốn Trung ương năm 2022 giải ngân 76.274 triệu đồng đạt 86,9%; năm 2023 giải ngân 110.331 triệu đồng đạt 77%; năm 2024 giải ngân 31.081 triệu đồng đạt 22,3%).

Theo đánh giá, một số dự án có kết quả giải ngân khá, như Tiểu Dự án 1, Dự án 3 về phát triển nông, lâm nghiệp bền vững giải ngân ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ 71,8%, ngân sách địa phương đạt 83%. Dự án 5 về phát triển giáo dục và đào tạo cũng đạt mức giải ngân cao với giải ngân ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ 70,1%...

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Tỉnh Bình Thuận đã đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn Chương trình MTQG 1719 trong các năm 2022 và 2023, đồng thời phấn đấu đạt 95% cho nguồn vốn năm 2024. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo và đôn đốc các sở, ngành, địa phương phân bổ và giải ngân vốn cho các dự án. Đối với những tiểu dự án có tiến độ giải ngân chậm, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp để tăng tốc tiến độ thực hiện.

Trong thời gian qua, nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đã mang lại diện mạo mới cho tỉnh Bình Thuận. Đời sống kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận giảm 3,05%; thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt 46,8 triệu đồng/năm…

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.