Khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế...
Anh Bùi Văn Đăng (xóm Bằng Gà, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) - Quản lý khu du lịch trải nghiệm Bản Mường Xanh, chia sẻ: Cao Sơn là xã vùng sâu, vùng xa nên trước đây người dân chủ yếu làm nông nghiệp hoặc đi làm xa tại các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên,... Mấy năm trở lại đây, khu du lịch trải nghiệm được xây dựng và đi vào hoạt động, đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động địa phương.
“Tôi đã làm việc ở đây hơn 3 năm, thu nhập ổn định và có tích lũy để lo cho con cái đi học, có tiền mua sắm được nhiều vật dụng cần thiết phục vụ cho cuộc sống”, anh Đăng chia sẻ.
Tương tự, chị Bạch Thị Thanh Xuân, nhân viên dọn dẹp tại khu du lịch cho biết, trước kia, khi còn làm ở công ty may, thu nhập của chị không ổn định. Công việc mới đã giúp chị có cuộc sống ổn định, kinh tế dần tốt hơn. “Từ khi về Bản Mường Xanh, tôi đã có công việc ổn định hơn, thu nhập cao hơn. HIện nay, tôi đang được trả lương khoảng 9 triệu đồng/tháng”, chị Xuân phấn khởi thông tin.
Từ vùng quê nghèo, đến nay, tại Lương Sơn tỉnh Hoà Bình đã xuất hiện nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, homestay, khu vui chơi giải trí, nhà hàng khang trang, để phục vụ khách du lịch. Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lương Sơn, hiện tại, trên địa bàn huyện đang có gần 20 homestay và khu du lịch trải nghiệm lớn nhỏ, thu hút hàng nghìn lượt du khách hằng tháng.
Trong đó, phải kể đến những khu du lịch cộng đồng đang thu hút du khách, như: Khu du lịch trải nghiệm Bản Mường Xanh thuộc xóm Bằng Gà, xã Cao Sơn; khu nghỉ dưỡng cao cấp La Montana De Luong Son thuộc xóm Quế Sụ, xã Cao Sơn; Ivory Villas & Resort Hoà Bình, tại xóm Kẽm, xã Lâm Sơn,...
Từ hoạt động của ngành Du lịch đã tạo ra hàng trăm việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Qua đó, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế khá giả. Đơn cử như, tại Khu du lịch trải nghiệm Bản Mường Xanh, hiện đơn vị đang có hơn 40 nhân viên làm việc, chủ yếu là người dân địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Tiếp tục tạo cơ chế thu hút đầu tư
Không riêng huyện Lương Sơn, việc phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế vững chắc cho người dân địa phương đang được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình quan tâm với việc hỗ trợ khuyến khích người dân phát triển trở thành hướng đi chủ đạo,
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 290 hộ du lịch cộng đồng, đón trên 1,65 triệu lượt khách tham quan du lịch; tổng thu từ khách du lịch cộng đồng chiếm 19,5% tổng thu từ khách du lịch.
Theo đó, tỉnh Hòa Bình chủ trương hỗ trợ nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng cho các xã khu vực miền núi; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch cộng đồng… Trên cơ sở quy hoạch các khu, điểm du lịch cộng đồng, chính quyền tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các địa phương vận động người dân tham gia vào kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng.
Các cấp chính quyền cũng đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ bản như xây dựng đường kết nối các bản làng với nhau; phát triển hệ thống bưu chính - viễn thông; bảo tồn các làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa… Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tham gia các khóa tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, từ đó ứng dụng vào việc đón tiếp, phục vụ du khách. Đến nay, tỉnh Hòa Bình có hơn 20 điểm du lịch cộng đồng và trên 150 nhà nghỉ phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.
Bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, trên thực tế, với lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú; sự thân thiện, cởi mở của đồng bào các dân tộc Mường, Mông, Thái,...; đang tạo đà để du lịch cộng đồng ở tỉnh Hòa Bình phát triển trong nhiều năm qua, thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương, qua đó tạo sinh kế bền vững, giúp các vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình cũng đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân.