Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hòa Bình: Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp

Hà Như - 16:50, 02/12/2022

Toàn tỉnh Hoà Bình hiện có trên 70% là người DTTS. Nhiều năm qua, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ đã góp phần xây dựng, phát triển cuộc sống mọi mặt của đồng bào các DTTS. Đặc biệt, việc quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được chú trọng. Đây là lực lượng nòng cốt trực tiếp tham gia tổ chức, lãnh đạo, tác động, nêu gương, góp phần giúp đồng bào nỗ lực vượt khó, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ngày càng phát triển.

Một góc huyện Mai Châu (Hòa Bình)
Một góc huyện Mai Châu (Hòa Bình)

Những làn gió mới

Xóm Bãi Lau, xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) có 33 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Dao, có 14 hộ nghèo. Trước Tết Nguyên đán 2018 chừng vài tháng, xóm Bãi Lau tan hoang do mưa lũ; nhiều hộ dân mất nhà cửa, phải sống trong những lều bạt dã chiến.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của huyện trong việc khẩn trương tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho 33 hộ dân, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa -  Bùi Văn Kỳ vừa mừng vừa lo. Là Chủ tịch xã thuộc diện trẻ nhất của huyện Đà Bắc (sinh năm 1981, được bầu làm Chủ tịch xã năm 2016), anh Kỳ mừng vì có dự án TĐC thì bà con sẽ bớt khổ, nhưng anh lo vì đây là công việc rất phức tạp, mới mẻ. Bởi khi bố trí nơi ở mới cho bà con, phải bảo đảm an toàn, bền vững, vừa không xa nơi ở cũ, lại gần với nơi sản xuất. Khi đã chuyển ra khu TĐC là phải chuyển cả xóm để không xáo trộn cuộc sống, phong tục tập quán.

Với vai trò là người đứng đầu chính quyền cơ sở, anh Kỳ phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Sau khi khảo sát, thống nhất với huyện Đà Bắc, lãnh đạo xã Vầy Nưa đã quyết định chọn 4ha ở khu vực đồi Lim, xóm Bãi Lau làm điểm xây dựng. Suốt quá trình thi công, Chủ tịch Bùi Văn Kỳ thường xuyên túc trực động viên, đốc thúc đơn vị thi công. Nhiều lần, anh Kỳ ăn ở cùng công nhân và người dân để nắm bắt các thông tin, kịp thời điều hành xây dựng khu TĐC.

Đến giữa năm 2018, khu TĐC Bãi Lau đã hoàn thành cơ bản các hạng mục thiết yếu, đón 33 hộ dân về định cư; những hạng mục phụ dần được hoàn thiện để phục vụ bà con đón Tết Kỷ Hợi 2019.

Với sự năng động của tuổi trẻ cùng với năng lực, trình độ đã được chuẩn hóa, những cán bộ trẻ như Chủ tịch xã Vầy Nưa Bùi Văn Kỳ, đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh - chính trị, trật tự xã hội ở địa phương, từ đó đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Tại huyện Lạc Sơn, với sự chỉ đạo tập trung, gắn với kiểm tra, đốn đốc, những năm gần đây, các mặt công tác cán bộ của huyện có chuyển biến rõ rệt. Cán bộ được điều động, luân chuyển đã phát huy tốt năng lực, sở trường ở môi trường mới. Điển hình như trường hợp Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuất Hóa- Quách Công Vinh đã được Huyện ủy Lạc Sơn điều động, luân chuyển nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú đầu năm 2018. Anh đã cùng tập thể cấp uỷ Đảng xây dựng đoàn kết nội bộ, huy động hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ chủ trương giải phóng mặt bằng 400ha, di dời hàng trăm ngôi mộ để thực hiện dự án hồ Cánh Tạng, di dời Nhân dân lên 2 khu tái định cư mới. Đồng thời, Bí thư Vinh đã chỉ đạo dồn điền, đổi thửa 171ha đất canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống Nhân dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,64%.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025

Tạo điều kiện để cán bộ người DTTS phát huy năng lực, sở trường

5 năm gần đây, huyện Lạc Sơn có 121 lượt cán bộ cấp huyện, xã được đào tạo và cấp bằng đại học; 39 cán bộ có trình độ thạc sĩ; 29 cán bộ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 42 cán bộ được đào tạo chuyên viên, chuyên viên chính. Công tác luân chuyển cán bộ được quan tâm, chỉ đạo, trong đó 49 lượt cán bộ được luân chuyển ngang, luân chuyển dọc; 9 cán bộ cấp huyện luân chuyển về làm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã.

Với quyết tâm nâng cao chất lượng công tác cán bộ, ngày 20/12/2021, Huyện uỷ Lạc Sơn đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU, trong đó xác định rõ vai trò cán bộ là gốc, then chốt của mọi công việc. Đồng thời, đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đủ về số lượng, chất lượng, có cơ cấu phù hợp với nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh của địa phương. Huyện phấn đấu giai đoạn 2021-2025, có 100% cán bộ chuyên môn tuyến mới cấp huyện, cấp xã có bằng đại học; 30% số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện được luân chuyển ngang hoặc dọc; 100% xã, thị trấn có ít nhất 1 lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Một số xã có 2 vị trí chủ chốt không phải là người địa phương. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn của huyện, xã được thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, cập nhật kiến thức về lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, lý luận chính trị.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn cho biết: Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, huyện quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp; Đánh giá cán bộ thực chất, thông qua thực tiễn, dựa trên kết quả công việc, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, không khách quan, không chính xác. Quy hoạch cán bộ đúng quy trình, theo quy định, đảm bảo sự kế thừa giữa các thế hệ. Bổ nhiệm cán bộ căn cứ vào 2 tiêu chí tài và đức, trong đó đức là nền tảng. Xử lý hài hoà mối quan hệ giữa tiêu chuẩn, năng lực và cơ cấu. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý về những điều đảng viên không được làm, những biểu hiện suy thoái để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm.

Thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS ở Hoà Bình những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực từ cấp xã tới cấp tỉnh; tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ.

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoà Bình: Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ là người DTTS nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Trong đó đã bổ sung, đưa vào quy hoạch những cán bộ là người DTTS có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên môn nghiệp vụ cao và uy tín trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác quy hoạch được thực hiện liên thông giữa tỉnh và huyện, huyện và xã, giữa các cơ quan, đơn vị… vừa là bổ sung, vừa là tạo nguồn cán bộ hợp lý. Căn cứ vào quy hoạch cán bộ và yêu cầu tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ người DTTS phát huy năng lực, sở trường. Việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ DTTS nói riêng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm quy trình, chặt chẽ, dân chủ, công khai. Cán bộ là người DTTS được bố trí công tác phù hợp với trình độ, chuyên môn, phát huy tốt năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tỉnh Hòa Bình chú trọng phát triển nguồn nhân lực cán bộ là người DTTS
Tỉnh Hòa Bình chú trọng phát triển nguồn nhân lực cán bộ là người DTTS (Trong ảnh: Các thiếu nữ dân tộc Mông xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình)

Thực hiện Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tỉnh Hòa Bình tăng lên cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, cấp tỉnh 2.485/6.936 người, chiếm tỷ lệ 35,8%; cấp huyện 9.430/17.903 người, chiếm tỷ lệ 52,7%; cấp xã 4.732/5.719 người, chiếm tỷ lệ 82,7%. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ngày càng trưởng thành, gắn bó với nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Toàn tỉnh Hoà Bình hiện có 159 cán bộ người là người DTTS thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó, trình độ tiến sĩ chiếm 0,6%, thạc sĩ 40%, đại học 60,4%; về trình độ lý luận chính trị có 1 cử nhân, 158 cao cấp. 

Trong số đội ngũ cán bộ, có 68/159 cán bộ có trình độ tiếng Anh từ B1 trở lên, số còn lại đều đã có các chứng chỉ ngoại ngữ; về trình độ tin học 100% có từ chứng chỉ trở lên. 34/48 đơn vị sở, ngành và tương đương cấp tỉnh có cán bộ là người DTTS trong tập thể lãnh đạo. 

Đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, cán bộ là người DTTS chiếm gần 65%. Trong đó, cán bộ có trình độ từ thạc sĩ trở lên chiếm gần 8%, đại học trên 85%; trình độ lý luận chính trị cao cấp chiếm 23%, trung cấp hơn 74%; trình độ tin học, ngoại ngữ đạt chuẩn. 

Những năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ là người DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Trước tiên là đối với công tác quy hoạch nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2021 – 2026; cán bộ là người DTTS được quy hoạch chức danh ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh chiếm 63,6%, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiếm 76,7%, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức Chính trị - xã hội tỉnh chiếm 32%.


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.