Bản Sin Chải, xã Mù Sang (huyện Phong Thổ) có hơn 70 hộ dân tộc Mông sinh sống. Do địa hình đồi núi dốc, thêm vào đó thời tiết trong những năm vừa qua diễn biến bất thường, nên năm nào người dân cũng hứng chịu ảnh hưởng của các đợt thiên tai.
Trong đợt lũ quét cục bộ hồi tháng 4/2020, bản có 2 người thiệt mạng và hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng về nhà cửa, tài sản. Sau thiên tai, nhờ sự chung tay hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng, đời sống người dân đang dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở ở bản vẫn đang nơm nớp lo sợ mỗi khi trời có mưa.
Anh Ma A Lăng, hiện đang sinh sống ở ngay ven suối bản Sin Chải chia sẻ: Mỗi khi trời mưa là cả gia đình ai cũng thấy lo sợ. Vì mỗi khi có mưa, nước từ thượng nguồn cứ ầm ầm đổ về, dòng suối hẹp nên nước dâng rất nhanh. Mỗi lần nước lũ về là vợ chồng con cái lại dắt díu nhau chạy đi ở nhờ nhà người thân, hoặc chạy lên ở tạm nhà văn hóa của bản.
Ông Ma A Sèo, Trưởng bản Sin Chải cho biết: “Nhiều gia đình đã di chuyển rồi, nhưng một số chưa có điều kiện để di chuyển và không có đất để ở. Bà con trong bản rất mong muốn được sớm hỗ trợ đến nơi ở mới”.
Theo thống kê, Phong Thổ là một trong những địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề của tỉnh Lai Châu khi có mưa lũ xảy ra. Dù chưa bước vào mùa mưa, nhưng thời gian qua trên địa bàn huyện đã hứng chịu nhiều đợt thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản. Chỉ tính riêng đợt mưa đá, dông lốc, lũ cục bộ xảy ra hồi tháng 4 vừa qua đã làm 3 người chết, 1 người bị thương. Thế nhưng, nhiều hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nay vẫn chưa thể chuyển đến nơi ở mới an toàn.
Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Thời gian vừa qua, bằng nhiều nguồn lực huyện đã di dời được hơn 500 hộ dân đến nơi ở mới an toàn, song hiện nay, toàn huyện vẫn còn hàng trăm hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.
“Chúng tôi đã rà soát và hiện còn hơn 100 hộ dân cần di chuyển đến nơi ở an toàn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Khó khăn thì có nhiều, nhưng có một số khó khăn cơ bản đó là: Mặt bằng để di dân lên các vị trí an toàn là hạn chế; tập quán của bà con các dân tộc không muốn tách rời các hộ; kinh phí thực hiện di chuyển cần rất lớn”, ông Mẫn thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, nguồn kinh phí dự phòng của huyện năm 2020 đến nay cơ bản đã sử dụng vào việc phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ thiên tai thời gian qua. Do đó, huyện đã và đang kiến nghị UBND tỉnh Lai Châu quan tâm, sắp xếp nguồn vốn để huyện sớm bố trí di dời các điểm có nguy cơ sụt, sạt, ảnh hưởng đến các hộ dân trên địa bàn.