Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi vùng DTTS: Nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn (Bài 2)

Thi Thi - 16:48, 13/12/2022

Kinh tế gia đình khó khăn, kiến thức về dinh dưỡng còn hạn chế, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng như tỷ lệ sinh con tại nhà còn cao,… là những nguyên nhân trực tiếp khiến các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi khó cải thiện về dinh dưỡng cho người dân. Việc nhận diện những rào cản này là để các địa phương quyết tâm hơn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo về dinh dưỡng.

Báo cáo Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước.
Báo cáo Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước.

Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ y tế thấp

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hiện mạng lưới y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân. Thống kê cho thấy, tại thời điểm năm 2018, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có 98,4% số xã có Trạm y tế; 96% số thôn bản có nhân viên y tế thôn bản, 90% số xã có bác sỹ làm việc, hơn 95% số xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 76% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Người nghèo, đồng bào DTTS, trẻ em dưới 5 tuổi, các đối tượng chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới ngày càng có thêm cơ hội tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản ban đầu.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản của bà mẹ DTTS lại không cao. Báo cáo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 - 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tỷ lệ phụ nữ không được chăm sóc trước sinh chiếm 2,2%, chủ yếu là phụ nữ DTTS. Đáng chú ý, chỉ có 32,7 phụ nữ là người DTTS trong độ tuổi 15 - 49 đi khám thai theo khuyến nghị; trong khi 82,1% phụ nữ là người Kinh đi khám thai từ 4 lần trở lên.

Mạng lưới y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân. (Trong ảnh: Trạm Y tế Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ được đầu tư xây dựng khang trang)
Mạng lưới y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân. (Trong ảnh: Trạm Y tế Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ được đầu tư xây dựng khang trang)

Đặc biệt là, dù cơ sở y tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được quan tâm đầu tư nhưng tỷ lệ bà mẹ sinh con tại nhà ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn rất cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD của trẻ sau khi sinh.

Chị Giàng Thị Di, ở bản Hồ Suối Tổng, xã Làng Mô (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), mới hơn 20 tuổi nhưng đã có đứa con thứ hai. Dù đã 2 tuổi nhưng con của chị mới được 6 kg, chưa biết đi, chậm nói so với trẻ cùng lứa tuổi. Di chia sẻ rằng, cả hai lần sinh con, chị đều đẻ tại nhà. Di và một số chị em phụ nữ trong bản cũng muốn đến trạm y tế nhưng phần vì ngại, phần vì do tục sinh ở nhà có người đỡ đẻ nên đã thành thói quen.

Giàng Thị Di là một trong rất nhiều trường hợp bà mẹ không đến cơ sở y tế để sinh con trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo số liệu thống kê của ngành Y tế tỉnh, tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà vẫn còn khá cao. Năm 2021, toàn tỉnh có 2.961 trường hợp đẻ tại nhà trong tổng số 8.672 ca đẻ, chiếm 34,14%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.384 trường hợp đẻ tại nhà trong tổng số 3.805 ca đẻ, chiếm 36,37% (tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2021).

Thiếu vi chất dinh dưỡng và những nguy cơ tiềm ẩn

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, cùng với tỷ lệ tiếp cận dịch vụ y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản thấp thì tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống làm tăng tình trạng nhẹ cân khi sinh và SDD thấp còi ở trẻ em DTTS. Báo cáo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 – 2022 cho thấy, tỷ suất sinh con vị thành niên cao nhất ở nhóm phụ nữ sống tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi tập trung đông các DTTS.

Cùng với đó là môi trường sống không đảm bảo vệ sinh đã làm gia tăng tình trạng SDD ở trẻ em DTTS. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ có 2,4% hộ dân tộc Kinh/Hoa phóng uế bừa bãi, trong khi đây là thói quen của 26,8% hộ gia đình DTTS. Hơn nữa, 81,7% hộ gia đình là người Kinh/Hoa so với 38,7% hộ gia đình DTTS, có sử dụng nguồn nước sinh hoạt cũng như các công trình vệ sinh đảm bảo.

Phần vì ngại, phần vì do tục sinh ở nhà có người đỡ đẻ nên đã thành thói quen nên nhiều bà mẹ DTTS không đến cơ sở y tế để sinh con. (Ảnh minh họa)
Phần vì ngại, phần vì do tục sinh ở nhà có người đỡ đẻ nên đã thành thói quen, nhiều bà mẹ DTTS không đến cơ sở y tế để sinh con. (Ảnh minh họa)

Nhưng quan trọng hơn cả, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên khẩu phần ăn của trẻ em và phụ nữ DTTS chưa bảo đảm về chất lượng và số lượng, thiếu đa dạng về thực phẩm. Một khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) tại khu vực miền núi phía Bắc cho thấy, trong nhóm DTTS, chỉ có 50.4% số trẻ nhỏ được nhận từ 4 trên 7 nhóm thực phẩm, trong khi tỷ lệ này là 81,8% ở nhóm Kinh/Hoa. Chỉ có 38% trẻ em DTTS (so với 63% trẻ em Kinh/Hoa) có được khẩu phẩn ăn tối thiểu chấp nhận được (đạt về độ đa dạng và đủ số bữa trong ngày). Tình trạng thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ còn cao (18.5%). Đây cũng là lý do ảnh hưởng đến phát triển của trẻ thời kỳ bào thai và cân năng sơ sinh của trẻ.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng sau 6 tháng được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, trẻ dưới 1 tuổi cần được cung cấp các thực phẩm dinh dưỡng bổ sung để đảm bảo mức độ tăng trưởng tối đa. Tuy nhiên, trẻ em DTTS không có điều kiện để tiếp nhận chế độ dinh dưỡng đó. Nhìn chung chỉ có 39% trẻ là người DTTS trong độ tuổi từ 6 - 23 tháng có chế độ dinh dưỡng đầu đủ so với 69% trẻ em là người Kinh/Hoa.

PGS. TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng, tình trạng SDD từ trong bào thai, khẩu phần ăn không đa dạng, không đủ các chất dinh dưỡng trẻ bị cai sữa sớm (dưới 1 tuổi), kinh tế hộ gia đình nghèo, điều kiện vệ sinh môi trường, gia đình sinh nhiều con và khoảng cách sinh con ngắn, thực hành dinh dưỡng nuôi trẻ nhỏ còn hạn chế, thói quen vệ sinh cá nhân kém … .là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD ở trẻ em DTTS. Ngoài vấn đề SDD, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (Vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm,…) ở trẻ em và phụ nữ vẫn là các vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng tại khu vực miền núi.

Điều kiện kinh tế khó khăn khiến trẻ em DTTS đối diện với “nạn đói tiềm ẩn”. (Trong ảnh: Một bữa ăn trưa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai)
Điều kiện kinh tế khó khăn khiến trẻ em DTTS đối diện với nhiều nguy cơ suy dinh dưỡng. (Trong ảnh: Một bữa ăn trưa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai)

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được các chuyên gia khuyến cáo là “nạn đói tiềm ẩn”. Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ bị thiếu máu cao nhất luôn nằm ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong khi tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tại Việt Nam là 27,8%, con số này với trẻ em là người DTTS là 43%. “Nạn đói tiềm ẩn” là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trẻ sinh non và sinh nhẹ cân – một vấn đề phổ biến với trẻ em khu vực miền núi.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia về dinh dưỡng, để thực hiện được các mục tiêu giảm tỷ lệ SDD trẻ em, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ DTTS thì trong thời gian tới, các địa phương cần vân dụng tối đa nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực khác để hướng tới mục tiêu giảm nghèo về dinh dưỡng.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 được thực hiện với số lượng mẫu là 14.000 hộ gia đình trên 700 địa bàn thuộc tất cả 63 tỉnh thành của cả nước. Mẫu điều tra đại diện cho 6 vùng kinh tế và hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cũng như các nhóm DTTS chính. Kết quả điều tra phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Bên cạnh các chủ đề về sức khỏe sinh sản phụ nữ, dinh dưỡng cho trẻ em, giáo dục, y tế, tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông bình đẳng, phát triển toàn diện. Báo cáo kết quả điều tra được Tổng cục Thống kê công bố ngày 8/12/2021.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.