Dự Hội nghị trực tiếp tại đầu cầu Bình Định có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Y Vinh Tơr; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Bình Định và lãnh đạo các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, trong giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 39.019 tỷ đồng cho các địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để thực hiện 3 Chương trình MTQG (chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 Chương trình MTQG trong cả nước).
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương.
Riêng trong năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện 3 Chương trình MTQG cho vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên hơn 17.820 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho cả nước. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 9.482 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 8.338 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong Vùng đã phân bố hơn 7.935 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 83,68%.
Về tình hình giải ngân, đến hết ngày 30.6.2023,vốn giải ngân 3 chương trình của các địa phương trong vùng hơn 2.055 tỷ đồng, đạt 21,67% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 6,53% so với trung bình cả nước (khoảng 28,2%).
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các địa phương trong Vùng đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng Dự án, Tiểu dự án thành phần của Chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn. Nhờ vậy, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của các vùng đạt bình quân đạt 3,81%/năm.
Qua triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG, một số địa phương trong vùng đã có nhiều cách làm hay, sáng kiến, cụ thể: Ninh Thuận có mô hình trang trại trồng nho gắn với phát triển du lịch nông thôn, quảng bá sản phẩm. Tại Nghệ An, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp tín chấp, qua đó giúp hội viên được vay đến 17.630 tấn phân bón, 215 tấn thức ăn chăn nuôi và 82.000 con giống gia cầm, tổng giá trị đạt trên 185 tỷ đồng.
Tại Kon Tum, doanh nghiệp cà phê Nguyên Huy Hùng đã tổ chức liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, phát triển thương hiệu cà phê Dakmark được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Các chương trình được phê duyệt và quy định tỷ lệ vốn đối ứng sau thời điểm quyết định kế hoạch vốn trung hạn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương. Do đó, việc bố trí vốn đối ứng để thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định là rất khó đảm bảo. Việc huy động đóng góp về tiền hiện vật và ngày công lao động của nhân dân để thực hiện chương trình trên địa bàn các huyện, các xã còn khó khăn.
Nguồn vốn sự nghiệp được giao theo từng năm và phân theo hạng mục chi tiết làm cho địa phương khó khăn trong việc xác định mục tiêu của giai đoạn và chuyển đổi vốn giữa các nội dung trong chương trình để thích ứng với điều kiện thực tế. Việc bố trí cán bộ phụ trách thực hiện các Chương trình MTQG ở cơ sở còn bất cập và chủ yếu kiêm nhiệm nhiều việc.
Do vậy, chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình. Đồng thời, chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ để khích lệ, động viên cán bộ nên vấn đề tham mưu thực hiện các chương trình chưa cao, thiếu chiều sâu.
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr chia sẻ với những khó khăn của các địa phương trong việc triển khai Chương trình MTQG 1719. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT cho biết: Những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi triển khai thực hiện Chương trình đã được tổng hợp trình lên Quốc hội. Sau khi Ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết chính thức, UBDT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương triển khai, tránh những bất cập như trước đây trong quá trình sáp nhập, thay đổi địa bàn thụ hưởng. Lần này trong Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội sẽ có hướng tháo gỡ. Trên quan điểm những thôn, xã trước đây được thụ hưởng chính sách thì vẫn tiếp tục được thụ hưởng cho đến khi có chính sách khác phù hợp để thay đổi.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Để triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, chúng ta phải xem đó là một việc làm nhân văn, giúp cho Nhân dân các vùng khó khăn có cuộc sống tốt hơn nên phải làm hết trách nhiệm, tích cực, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. “Điều tôi lo lắng nhất hiện nay trong việc thực hiện các Chương trình MTQG là tỷ lệ giải ngân vốn quá thấp. Có địa phương chỉ mới giải ngân vốn được 8%, còn đến hơn 90% thì làm sao chúng ta có thể giải ngân được”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trăn trở.
Thời gian tới, các địa phương phải quyết liệt thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG. So với những năm trước, chúng ta đã tháo gỡ được nhiều khókhăn, vướng mắc. Vậy tại sao nhiều địa phương vẫn chưa làm được, trong khi đó có địa phương làm rất tốt? Phải chăng các địa phương còn chưa thực sự quyết tâm, sợ trách nhiệm? Tôi yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phải trách nhiệm, tích cực và quyết liệt hơn nữa trong triển khai các Chương trình MTQG. Trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vước mắc gì thì gửi văn bản đến các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn tháo gỡ. Các địa phương phải học tập lẫn nhau, địa phương nào làm chưa được thì phải học tập các địa phương làm tốt để cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tăng cường kết nối với các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG.