Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kiểm tra hiệu quả triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Như Tâm - 15:41, 04/08/2023

Ngày 4/8, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Cùng tham gia Đoàn công tác có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Đoàn công tác đến thăm tặng quà gia đình ông Châu Hoàng Tây được hỗ trợ vay làm nhà theo Chương trình MTQG 1719
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cùng Đoàn công tác đến thăm tặng quà gia đình ông Châu Hoàng Tây được hỗ trợ vay làm nhà theo Chương trình MTQG 1719

Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.

Tại thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), đoàn đã đến thăm, tặng quà hộ ông Thạch Ngọc Lâm và hộ ông Châu Hoàng Tây được hưởng chính sách vay vốn làm nhà ở từ Chương trình MTQG quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Phó Thủ tướng Chính phủ đã ân cần thăm hỏi hoàn cảnh sống, kinh tế gia đình của các hộ trước và sau khi được chăm lo về nhà ở. Đồng thời mong muốn các hộ dân tộc Khmer của thị trấn Hòa Bình tiếp tục vượt khó, cố gắng phát triển sản xuất để ngày càng vươn lên trong cuộc sống, góp phần đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và địa phương phát huy hiệu quả, ý nghĩa của các Chương trình MTQG để hướng đến giảm nghèo bền vững.

Đoàn công tác thăm mô hình nuôi tôm - lúa tại Thị xã Giá Rai
Đoàn công tác thăm mô hình nuôi tôm - lúa tại thị xã Giá Rai

Đoàn đã đến tham quan mô hình lúa - tôm, mô hình nuôi chồn, mô hình “Trụ sở ấp thông minh” của xã Phong Thạnh A (thị xã Giá Rai). Qua tham quan thực tế và nghe giới thiệu về các mô hình, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hiệu quả kinh tế của các mô hình, những cách làm hay của địa phương trong công tác vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Làm việc với thị xã Giá Rai, Đoàn đã nghe báo cáo tình hình triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn. Tính từ năm 2021 đến tháng 7/2023, thị xã đã giải ngân được hơn 73 tỷ đồng cho 3 Chương trình, gồm: Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG 1719. Những chính sách đặc thù, ưu tiên về nguồn lực để giúp cho người nghèo, người DTTS vươn lên thoát nghèo, chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Từ nguồn lực này đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của các tầng lớp Nhân dân.

Đối với Chương trình MTQG 1719, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình với nhiều nội dung nhưng văn bản hướng dẫn ban hành chậm; ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương chậm; kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Chương trình được giao thời điểm cuối năm, nên phải chuyển sang năm 2023 thực hiện; chưa có văn bản quy định định mức đất sản xuất/hộ làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất; chưa có định mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Thị xã không có quỹ đất để hỗ trợ, mức hỗ trợ theo quy định còn thấp, nên không bảo đảm kinh phí để thực hiện vì các đối tượng thụ hưởng tập trung ở 2 phường có giá đất rất cao.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với Thị xã Giá Rai
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với thị xã Giá Rai

Theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc có quy định: Trường hợp địa phương không có quỹ đất để hỗ trợ thì thực hiện chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng phải là hộ sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Nhưng qua rà soát trên địa bàn thị xã chỉ có 5 hộ đủ điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề. Vì hộ nghèo DTTS trên địa bàn phần đông là lao động tự do.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh, phát biểu làm rõ những vấn đề mà lãnh đạo
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chia sẻ với địa phương về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã phân tích những vấn đề địa phương chưa nắm rõ để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ niềm vui qua chuyến tham quan thực tế, bởi diện mạo nông thôn, đời sống của Nhân dân thị xã Giá Rai thật sự khởi sắc. Trong đó, việc lồng ghép giữa các Chương trình MTQG đã giúp người dân nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất. 

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân các chương trình của thị xã còn thấp, do đó, Phó Thủ tướng đề nghị thị xã Giá Rai phải có thứ tự ưu tiên trong triển khai nguồn vốn các Chương trình, không nên giải ngân dàn trải như thời gian qua. Đồng thời nghiên cứu các văn bản hướng dẫn mới của Trung ương để tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi: Những vấn đề đặt ra từ Dự án 8: Thay đổi cách tiếp cận cùng lộ trình dài hơi (Bài cuối)

Thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi: Những vấn đề đặt ra từ Dự án 8: Thay đổi cách tiếp cận cùng lộ trình dài hơi (Bài cuối)

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu cốt lõi của Dự án. Tuy nhiên, mục tiêu của Dự án 8 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới mà còn hướng đến việc chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em DTTS tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, cần có sự quan tâm giải quyết có hệ thống thì mới có hiệu quả lâu dài, bền vững.