Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia Lai: Triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 để giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS

Ngọc Thu - 11:57, 23/07/2023

Gia Lai là tỉnh miền núi với 44 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 46% dân số. Toàn tỉnh có 176/220 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Vì vậy, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh đã chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đường nội đồng nối từ làng Dip (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) đến khu sản xuất được bê tông hóa giúp bà con vùng khó đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện
Đường nội đồng nối từ làng Dip (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) đến khu sản xuất được bê tông hóa giúp bà con vùng khó đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện

Ưu tiên giao thông vùng khó

Xác định việc xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đòn bẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông cho các xã vùng khó.

Tuyến đường từ xã Đắk Tơ Ve đi xã Hà Tây được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Mùa mưa năm 2022, nhiều đoạn bị sạt lở khiến người và phương tiện khi đi qua đoạn đường này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trước tình hình trên, huyện Chư Păh đã đầu tư làm lại tuyến đường liên xã. Theo đó, tuyến đường có chiều dài 10 km, rộng 5,5 m, tổng kinh phí xây dựng là 11 tỷ đồng. Tuyến đường hoàn thành sẽ tạo tiền đề quan trọng mở rộng thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân 2 xã.

Tuyến đường từ xã Đắk Tơ Ve đi xã Hà Tây (huyện Chư Păh) được bê tông hoá
Tuyến đường từ xã Đắk Tơ Ve đi xã Hà Tây (huyện Chư Păh) được bê tông hóa

Ông Ngaoh (làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây) cho hay: “Tình trạng sạt lở thường xuyên diễn ra trên tuyến đường khi vào mùa mưa. Có vị trí ăn sâu vào ruộng hoa màu của người dân cả chục mét. Vì vậy, được Đảng, Nhà nước quan tâm, không chỉ tuyến đường quan trọng này mà đường liên thôn, đường ra khu sản xuất cũng được đầu tư đồng bộ giúp bà con có điều kiện mở rộng sản xuất”.

Ông Cao Phi Văn - Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ve, huyện Chư Păh cho biết: Trước đây, vào mùa mưa, con đường liên xã rất lầy lội, bà con đi lại khó khăn. Khi con đường được đầu tư, đi vào sử dụng, bà con xã Đăk Tơ Ve vô cùng phấn khởi. Từ nay, khoảng cách giữa 2 đơn vị hành chính cũng được rút ngắn. Bà con vận chuyển nông sản được thuận lợi sẽ thúc đẩy được kinh tế phát triển, sẽ có thu nhập, giảm được hộ nghèo”. 

Đặc biệt, từ Chương trình MTQG 1719 năm 2022, huyện Krông Pa được phân bổ gần 40 tỷ đồng để thực hiện 9 dự án. Theo đó, địa phương đã và đang thực hiện được 6 dự án, với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng.

Điển hình, để tạo thuận lợi cho người dân buôn Ia Sóa (xã Krông Năng) đi vào khu sản xuất tập trung, năm 2022, huyện Krông Pa đã đầu tư hơn 1,48 tỷ đồng làm con đường giao thông nội đồng với chiều dài hơn 1 km. Năm 2023, huyện tiếp tục bố trí kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng đầu tư làm thêm một tuyến đường khác vào khu sản xuất tập trung của người dân buôn Ia Sóa.

Ông Kpă Lôr (buôn Ia Sóa) vui mừng cho biết: “Con đường bê tông mới tạo thuận lợi cho người dân đi đến khu sản xuất, nhất là việc vận chuyển nông sản. Chúng tôi cảm ơn Nhà nước đã quan tâm đầu tư làm đường cho dân”.

Đầu tư nhiều công trình phục vụ dân sinh

Chương trình MTQG 1719 thực hiện tại tỉnh Gia Lai gồm 10 dự án, 12 tiểu dự án, 13 nội dung. Cũng như các địa phương, việc thực hiện Chương trình cũng gặp nhiều khó khăn, do lần đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình, với nhiều nội dung, trong khi văn bản hướng dẫn ban hành chậm. 

Bên cạnh đó, năng lực cán bộ phụ trách chương trình ở một số địa phương còn hạn chế; người dân cũng chưa hiểu và chưa thấy được vai trò của mình trong việc tham gia lựa chọn, giám sát và quản lý sử dụng công trình...

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai giám sát kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 tại các địa phương
Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai họp, kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 tại các địa phương

Tuy nhiên, với sự nỗ lực tìm cách gỡ khó, tỉnh Gia Lai đã và đang thực hiện nhiều dự án, nội dung Chương trình hiệu quả, đặc biệt là Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi theo cơ chế đặc thù.

Theo ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, riêng đối với Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tỉnh được phân bổ nguồn kinh phí hơn 160,7 tỷ đồng, tỉnh Gia Lai đã giải ngân gần 109,3 tỷ đồng, đạt 67,99% kế hoạch. Trong đó, tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng; trường, lớp đạt chuẩn, các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất; cứng hoá đường liên xã...

"Năm 2023, từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình, Gia Lai phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 86,6% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 92% người đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...; ưu tiên đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa bàn các xã ĐBKK, xã biên giới để tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản, giảm tỷ lệ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh",  ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.