Dong riềng là cây trồng được nhiều bà con lựa chọn để thâm canh, phát triển hàng hóa đạt giá trị kinh tế cao. Trung bình 1 ha trồng 1.600 - 1.800kg củ, sau 8 - 10 tháng có thể cho thu hoạch..
Từ củ dong riềng, nhiều hợp tác xã (HTX), hộ gia đình tại vùng núi Thanh Hóa đã xây dựng thành công sản phẩm miến dong với nhiều thương hiệu khác nhau, như: Miến dong Hương Ngọc, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc); miến dong Yên Lạc, xã Yên Lạc (Như Thanh); miến dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình và miến dong Thuận Tâm, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy). Các sản phẩm miền dong đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Tại huyện Như Thanh, cây dong riềng được người dân xã Yên Lạc trồng từ lâu và rải rác trong vườn nhà, trên sườn đồi... được đánh giá thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có năng suất cao. Đến nay, trên địa bàn xã Yên Lạc đã phát triển được 11,5 ha cây dong riềng nguyên liệu phục nhu cầu sản xuất miến dong cho HTX.
Ông Lê Trọng Dung, thôn 4, xã Yên Lạc, cho biết: Hiện nay gia đình đã chuyển đổi 1,5 ha đất đồi sang trồng cây dong riềng. Sau 8 tháng trồng, chăm sóc theo quy trình, năng suất đạt từ 75 - 80 tấn/ha và được HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc bao tiêu sản phẩm. Sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi 80 triệu đồng/ha.
Theo ông Phạm Công Bảo - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc. Năm 2018, HTX Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc đã đầu tư 1,4 tỷ đồng mua dây chuyền chế biến dong riềng lấy tinh bột làm nguyên liệu sản xuất miến dong, với công suất 40 tấn/năm. Hiện sản phẩm miến dong của HTX Yên Lạc đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm đã được tiêu thụ tại hơn 20 điểm kinh doanh trong huyện, tỉnh và đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Kon Tum...
Thời gian tới, HTX đầu tư nâng công suất dây chuyền chế biến dong riềng lên 80 tấn tinh bột/năm. Bên cạnh đó, HTX cũng tiếp tục hỗ trợ đối với những hộ dân mở rộng diện tích trồng dong riềng, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Khi liên kết sản xuất với người dân, HTX đều bảo đảm thu mua sản phẩm củ dong với giá thấp nhất là 2.000 đồng/kg.
Nhằm ổn định cho các HTX, cơ sở sản xuất miến dong, các địa phương đã khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất cây dong riềng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư chế biến ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm miến dong, bảo đảm vệ sinh, môi trường.