Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dong riềng mở lối thoát nghèo

PV - 11:34, 22/02/2018

Vốn được biết đến là một trong những xã xa nhất và khó khăn của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), những năm qua, tận dụng lợi thế đất dốc, nhiều hộ dân ở xã Phan Thanh mạnh dạn chuyển đổi trồng cây dong riềng theo hướng hàng hóa. Trong những ngày thu hoạch dong riềng, xe của các thương lái về từng nhà thu mua củ dong tươi, tinh bột dong; có thị trường đầu ra ổn định, mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Mùa này về Phan Thanh, cảm nhận cái lạnh cắt da cắt thịt của vùng núi, ẩn hiện trong màn sương giăng là những ruộng, rẫy dong riềng hiển hiện màu xám của lá dong đến lúc thu hoạch. Xa xa, người dân đang hối hả thu hoạch củ dong riềng để làm tinh bột dong bán cho các nhà máy bánh kẹo hay làm miến phục vụ Tết cổ truyền của dân tộc.

Cây dong riềng là cây trồng mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế ở Nguyên Bình. Cây dong riềng là cây trồng mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế ở Nguyên Bình.

 

Trưởng xóm Bản Chiếu Phùng Vần Phúc cho biết: Ngày trước bà con chủ yếu trồng ngô, lúa nương nhưng khí hậu lạnh, cây ngô kém phát triển, còn lúa nương cho năng suất thấp. Cây dong riềng được trồng từ lâu, có giá trị cao hơn nên bà con trong xóm chuyển sang trồng cây dong riềng. Loại cây này thích hợp với cái lạnh của vùng núi cao, dễ trồng, cho năng suất cao (khoảng hơn 60 tấn/ha). 3 năm gần đây trở thành cây trồng chính của xóm, năm 2017 xóm trồng được gần 27ha.

Anh Đặng Dào Tòng, xóm Bản Chiếu phấn khởi: Năm 2017, gia đình tôi trồng hơn 4ha dong riềng, ước thu được hơn 240 tấn củ tươi, nếu giá thu mua như năm ngoái 1.200 đồng/kg, tính ra cũng thu hơn 120 triệu đồng, trừ các khoản chi phí lãi hơn 60 triệu đồng. Còn đối với gia đình anh Đặng Kiềm Sân, xóm Nặm Sơ, 3 năm trước gia đình anh mạnh dạn chuyển sang trồng dong riềng vì nhận thấy dong riềng có giá trị kinh tế, năng suất cao, dễ trồng hơn ngô. Đến nay, gần 5ha dong riềng của gia đình anh cho thu hoạch từ 80-100 triệu đồng/năm. Từ cây dong riềng, nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, mua sắm được trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, nhiều người trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Để cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật phòng chống sâu bệnh và chăm sóc cây trồng đến người dân vận động nhân dân thường xuyên thăm và kiểm tra quá trình phát triển; thực hiện rào xung quanh diện tích trồng tránh trâu, bò phá. Trung bình trồng 1ha dong riềng, đầu tư khoảng 1 triệu đồng, không mất nhiều công chăm sóc, sau 10 tháng cho thu hoạch, 1ha thu được 60 tấn củ tươi, bán ra thị trường thu hơn 20 triệu đồng. Ngày mùa, thương lái lên tận xã thu mua về để sản xuất miến dong. Một số bà con trong xã còn tận dụng bã dong riềng sau khi lấy tinh bột để làm thức ăn cho trâu bò.

Năm 2010 cả xã trồng gần 4,5ha cây dong riềng, đến năm 2017 tăng lên 125ha, ước tính sản lượng đạt hơn 7.500 tấn. Diện tích dong riềng tập trung nhiều ở xóm Tổng Sinh, Phiêng Lầu, Bản Chiếu, Bình Đường, Nặm Sơ… Chất lượng củ dong tốt, củ to, lượng tinh bột cao. Người dân ở đây không chỉ trồng dong riềng mà còn mua máy sơ chế thành tinh bột nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Nếu như giá bán củ dong tươi khoảng 1.200 đồng/kg, thì giá bán bột dong khoảng 11.000 đồng/kg.

Củ dong sau khi thu hoạch, mang rửa sạch, đem nghiền, rồi đảo và lọc với nước để chảy qua 3 bể lọc, khi lắng xuống, lớp bột trắng là tinh bột dong riềng. Hiện nay, trong xã có 3 hộ có máy sơ chế tinh bột, 10/11 xóm trồng dong riềng. Xã Phan Thanh đưa dong riềng trở thành 1 trong 3 cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020. Năm 2017 số hộ thoát nghèo của xã đạt 3%. Ngoài ra, xã cũng liên hệ một số cơ sở sản xuất miến tại Nguyên Bình, TP. Cao Bằng và tỉnh Bắc Kạn để tìm đầu ra cho sản phẩm tinh bột dong riềng.

Chủ tịch UBND xã Phan Thanh, Bàn Chàn Phin cho biết: Những năm gần đây, xã chủ trương chuyển đổi diện tích từ cây lúa nương, cây ngô năng suất thấp sang trồng cây dong riềng. Đây là loài cây hợp vùng đất dốc, có thể trồng trên nhiều loại đất và giải quyết tốt vấn đề lương thực. Trồng 1ha dong riềng có giá trị thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, lúa nương.

THANH BÌNH

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.