Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS &MN

Phát huy vai trò Người có uy tín trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Hoàng Minh - 11:15, 30/10/2023

Gương mẫu trong cuộc sống, tích cực vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm theo hướng tích cực, Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy vai trò, trách nhiệm là hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, Người có uy tín cũng đã góp phần tích cực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Người có uy tín trong thôn Nà Cào, xã Thượng Nông tuyên truyền phòng chống tảo hôn cho bà con
Người có uy tín trong thôn Nà Cào, xã Thượng Nông tuyên truyền phòng chống tảo hôn cho bà con

Tích cực tuyên truyền phòng chống tảo hôn

Trước kia thôn Nà Ngoãng, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có nhiều trường hợp tảo hôn. Nhưng từ năm 2022 trở lại đây tình trạng này đã từng bước được đẩy lùi. Hiện nay, thôn không còn trường hợp nào tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống. Có được kết quả như vậy là nhờ sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Văn Bình - Người có uy tín của thôn.

Ông Bình cho biết: thôn Nà Ngoãng có 80 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Tày. Nhận thức được những hệ lụy từ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nên từ khi được bầu làm Người có uy tín, ông đã tích cực tuyên truyền đến bà con trong các buổi họp thôn, ngày đại đoàn kết ở khu dân cư. Bên cạnh đó, phối hợp cán bộ thôn, xã đến từng hộ dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, đồng thời kiên quyết xử lý theo hương ước, lập biên bản các cặp đôi chưa đủ tuổi chuẩn bị kết hôn và báo cáo với chính quyền để can thiệp kịp thời. Nhờ vậy mà một năm trở lại đây ở thôn không còn tình trạng tảo hôn.

Cũng giống như ông Bình, ông Phương Văn Chăng, Người có uy tín thôn Nặm Cằm, xã Thượng Giáp (Na Hang, Tuyên Quang) chia sẻ: Chứng kiến không ít nỗi đau vì tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở trong thôn, cho nên ông đã không ngừng tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thoạt đầu, bà con không nghe, bỏ về hoặc không quan tâm; song bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, ông kiên trì vận động, dần dần người dân cũng quan tâm và làm theo. Nếu trước kia trong thôn có 4 đến 5 cặp tảo hôn thì nay con số này đã giảm đáng kể chỉ còn 1 đến 2 cặp.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Na Hang Hoàng Hùng Chảnh, cho biết: Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021-2025. Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, huyện Na Hang cũng đã tăng cường phát huy vai trò của Người có uy tín. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn.

Nỗ lực của đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện Na Hang đã góp phần thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong 2 năm 2021 và 2022 có 47 cặp tảo hôn, chiếm 9,03% so với tổ số cặp đăng ký kết hôn trên địa bàn huyện; số cặp vợ chồng tảo hôn qua các năm có xu hướng giảm dần.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ TẢO HÔN- ĐÃ BT) Phát huy vai trò Người có uy tín trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống 1

Già làng, đảng viên không dự cưới tảo hôn

Thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) có 300 hộ với 1.200 nhân khẩu. Ông Đinh Văn Na, Người có uy tín cùng nhiều già làng, đảng viên ở đây thấu hiểu cái khó, cái khổ của nạn tảo hôn đeo bám dai dẳng.

Tình trạng không có việc làm, đói nghèo, trẻ con thiếu cái ăn, suy dinh dưỡng… kéo dài nhiều năm trước dường như khó có lối thoát. Không muốn người trong thôn mãi nghèo, ông Na cùng bà con quyết tâm xóa bỏ chuyện tảo hôn.

Dù là người thân, bà con trong thôn, ông Na cũng nhất quyết không dự đám hỏi, lễ cưới nếu biết đó là cưới tảo hôn. Không chỉ kiên quyết từ chối dự, ông còn vận động người thân, anh em không đồng tình, ủng hộ chuyện kết hôn trước tuổi ở trong xã. Giữ nguyên tắc của mình, sau vài năm các già làng, cũng theo ông.

Ông Na còn nhớ, trước năm 2020 ở thôn Làng Ranh có nhiều trường hợp tảo hôn, gia đình tổ chức cưới hỏi khi con cái đồng ý dù ở tuổi vị thành niên. Dựa vào già làng, đảng viên trong thôn là cách tốt nhất để thay đổi tập tục này. Tính cộng đồng vì nhau, ngại ngùng với làng xóm nên dù biết sai bà con vẫn dự cưới đông đủ, rình rang theo tục lệ.

Cả thôn có 46 đảng viên, ông cùng các đảng viên, già làng thôn, xóm nói chuyện với người dân, cha mẹ có con trong độ tuổi 15-16 tuổi. Nắm chắc địa bàn, khi phát hiện có trường hợp chuẩn bị cưới hỏi chưa đúng tuổi hôn nhân, ông cùng thôn xóm động viên gia đình dừng tổ chức.

Để làm gương cho bà con, ông cùng các đảng viên, già làng của thôn, xã không dự cưới của những gia đình tổ chức cưới vi phạm tảo hôn.

“Trước kia vì nể nhau người làng, đảng viên vẫn đi dự đám cưới dù biết đó là tảo hôn. Hai năm nay thì không đi nữa, vì biết sai mà tham dự là không gương mẫu, không chấp hành. Đảng viên, già làng, người có uy tín phải gương mẫu đi đầu”, ông Đinh Văn Na khẳng định.

Phó Chủ tịch xã Sơn Ba Đặng Văn Minh cho biết, toàn xã có gần 5.000 hộ dân, trong đó gần 40% hộ nghèo. Nhiều tập tục cũ, lạc hậu như tảo hôn khiến cái nghèo không dứt.

Nhiều năm trước tình trạng tảo hôn diễn ra nhiều nhưng những năm gần đây vấn nạn này giảm mạnh. Xã đã vận động, động viên từng nhà, xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn, đặc biệt cán bộ xã đi đầu, làm gương chấp hành quy định về hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe...

“Hơn hai năm qua, các đảng viên, già làng xã Sơn Ba nói “không” với đám cưới tảo hôn; đồng thời, vận động người thân, bà con làng bản kiên quyết dừng tổ chức cưới hỏi tảo hôn từ thôn, xóm nhỏ. Vì vậy mà, tình trạng tảo hôn giảm đáng kể. Năm 2022 chỉ có 2 trường hợp tổ chức cưới bị xử lý. Từ đầu năm đến nay chưa phát hiện trường hợp nào”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Ba Đặng Văn Minh khẳng định.

Từ những đóng góp của Người có uy tín trong công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống những năm qua, đã góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong khu dân cư. Từng bước thực hiện mục tiêu không còn tảo hôn, nâng cao chất lượng dân số, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Tin cùng chuyên mục
Phước Sơn (Quảng Nam) đẩy lùi tập tục lạc hậu đối với người dân vùng đồng bào DTTS

Phước Sơn (Quảng Nam) đẩy lùi tập tục lạc hậu đối với người dân vùng đồng bào DTTS

Trong 2 ngày (ngày 16 và 17 tháng 10), huyện Phước Sơn tổ chức Chiến dịch truyền thông, nhằm bàn giải pháp xóa bỏ các tập tục lạc hậu và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng DTTS gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 27 về “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng đồng bào DTTS, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” của Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2024. Chiến dịch truyền thông được tổ chức tại xã vùng cao Phước Chánh và thị trấn Khâm Đức.