Phát huy vai trò, vị thế trong cộng đồng, Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lào Cai luôn gương mẫu, tận tụy, đi đầu trong mọi phong trào, nói đi đôi với làm. Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, Người có uy tín đã tạo ra động lực, cùng với bà con thôn bản vượt qua mọi khó khăn, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.
Gương sáng ở thôn bản
Tham gia công tác ở Huyện ủy Mường Khương mấy chục năm, theo lẽ thường, khi được Đảng và Nhà nước cho nghỉ chế độ, ông Hoàng Sín Hòa, dân tộc Nùng ở thôn Pạc Ngam, xã Nấm Lư sẽ an hưởng tuổi già vui vầy bên con cháu. Nhưng không, nhiều năm nay, được bầu là Người uy tín, ông Hòa luôn đau đáu một tâm nguyện: Làm sao phát huy và bảo tồn được những làn điệu dân ca Nùng Dín. Với ông, làn điệu dân ca Nùng Dín đã nuôi dưỡng tâm hồn ông từ những ngày thơ bé.
“Hiện nay, lớp người lớn tuổi thuộc và hát dân ca Nùng Dín không còn nhiều, thế hệ trẻ thì không mấy mặn mà với dân ca. Nếu bây giờ không sưu tầm, tổ chức truyền dạy, tổ chức học hát các làn điệu dân ca thì nguy cơ thất truyền một loại hình văn hóa đặc sắc của dân tộc là điều có thể xảy ra”, ông Hòa tâm sự.
Tháng 3/2012, ông Hòa đã vận động thành lập Câu lạc bộ dân ca Nùng Dín; đây là nơi giao lưu, gặp gỡ của những người yêu và am hiểu dân ca cổ. Bên cạnh đó, ông Hòa cùng các thành viên trong Câu lạc bộ còn lặn lội đi từng thôn bản, đến từng trường học để vận động, tổ chức các lớp học hát dân ca.
Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có 1.120 Người có uy tín. Giai đoạn 2018 - 2021, địa phương có 277 lượt Người có uy tín có thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng. Trong đó, 1 Người có uy tín được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 60 Người có uy tín được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 18 Người có uy tín được UBND tỉnh tặng thư khen...
Để việc dạy và học được thuận lợi, ông Hòa còn bỏ công phiên âm những làn điệu dân ca cổ sang chữ quốc ngữ. Nếu như thời gian đầu, cả xã chỉ có 4 người biết hát dân ca cổ, thì đến nay 11/11 thôn đều có người biết hát dân ca Nùng Dín và khôi phục thành công làn điệu hát giao duyên gần như đã bị thất truyền.
Năm 2020, ông Hoàng Sín Hòa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước cho những cố gắng, đóng góp không mệt mỏi của cá nhân ông trong việc bảo tồn và phát huy những làn điều dân ca cổ.
Với vai trò là Người có uy tín, anh Lý Tả Lềnh, dân tộc Mông ở tổ dân phố số 3 phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, không nhớ nổi bản thân đã trực tiếp tham gia bao nhiêu vụ hòa giải ở thôn bản. Anh Lềnh nói, cuộc sống hằng ngày không tránh khỏi phát sinh những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp từ trong gia đình, cộng đồng dân cư. Từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ nếu không kịp thời được tháo gỡ, sẽ dẫn đến những vụ việc phức tạp dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, thậm chí còn có thể phát sinh thành vụ án hình sự.
Cảm nhận được trách nhiệm của mình trong cộng đồng, anh Lềnh đã mạnh dạn đi sâu tìm hiểu từng vụ việc, từng mâu thuẫn, để từ đó có căn cứ trong quá trình hòa giải. Bằng sự mềm mỏng, thuyết phục anh Lềnh đã hòa giải thành công hàng trăm vụ việc từ nhỏ đến lớn, giữ cho địa bàn bình yên, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
“Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, Người có uy tín cần có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm… Cùng với đó, phải nắm rõ quy định các việc được hòa giải, những việc không được hòa giải. Trong quá trình hòa giải, bên cạnh việc thực hiện đúng các thủ tục trước, trong và sau khi hòa giải, thì bản thân tôi còn phải nắm rõ phong tục, tập quán từng dân tộc; rồi các quy ước, hương ước để làm sao việc hòa giải có lý, có tình nhất”- anh Lềnh chia sẻ.
Nhiều năm nay, tổ dân phố số 3 nói riêng, phường Cầu Mây nói chung không có những vụ việc mâu thuẫn phức tạp, không có vụ việc khiếu kiện kéo dài. Người dân đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; an ninh trật tự cơ sở được giữ vững.
Tích cực, đi đầu trong các phong trào
Thực tế cho thấy, những Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS không chỉ được ví như những nhịp cầu nối quan trọng, giúp gắn kết ý Đảng và lòng dân, mà họ còn như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt mọi người dân trong thôn bản luôn vững tin đi theo Đảng, Nhà nước, tích cực ủng hộ và góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Có thể khẳng định những việc làm của đội ngũ Người có uy tín đã góp phần to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai; xứng đáng là cầu nối giữa Nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương”
Bà Mã Én HằngPhó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai
Ông Lý Việt Hùng, Trưởng phòng Dân tộc Bát Xát cho biết: Huyện Bát Xát hiện có 162 Người có uy tín. Người có uy tín có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội của từng thôn bản nói riêng, toàn huyện nói chung. Người có uy tín tham gia nhiệt tình trong mọi hoạt động, phong trào ở cơ sở. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đẩy lùi hủ tục…
“Điển hình như tại xã Phìn Ngan trước đây là điểm nóng về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Tuy nhiên, từ khi Người có uy tín tuyên truyền vận động thành lập “Dòng họ không tảo hôn, hôn nhận cận huyết thông”, đến nay toàn xã tình trạng này đã không còn,…”, ông Lý Việt Hùng, Trưởng phòng dân tộc Bát Xát chia sẻ.
Với những đóng góp của đội ngũ Người có uy tín trên các mặt của đời sống xã hội, đã góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Năm 2021 toàn tỉnh có 23.643 hộ nghèo và cận nghèo; trong đó, hộ nghèo chiếm 5,31% (giảm 2,89% so với năm 2020), tương ứng với 9.345 hộ; hộ cận nghèo chiếm 8,12%, tương ứng với 14.298 hộ.
Để phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS, tỉnh Lào Cai không chỉ triển khai hiệu quả chính sách chung dành cho Người có uy tín, mà còn có những chính sách riêng của địa phương, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ này.
Mặc dù vậy, về lâu dài, đánh giá đúng vị trí, vai trò, sức ảnh hưởng của họ và có giải pháp về cơ chế, chính sách tốt hơn nữa để phát huy vai trò của Người uy tín trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển của địa phương là một việc làm hết sức cần thiết.
Bài 2: Điều chỉnh chính sách Người uy tín phù hợp thực tiễn