Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện Người có uy tín trên đỉnh núi mờ sương (*)

PV - 17:11, 13/03/2022

Với những người Mông, người Dao ở Cao Đường, Yên Thuận, Hàm Yên (Tuyên Quang), Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Dương Minh Toàn như bóng cây chò chỉ nơi cuối làng lặng lẽ chở che, chỉ đường, đưa bà con thoát ra khỏi “vùng tối” trên đỉnh núi mờ sương.

Cao Đường đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch
Cao Đường đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch

Thanh âm của rừng

Cao Đường thoắt ẩn thoắt hiện trong sương mờ. Theo tiếng của đồng bào Tày ở Yên Thuận, trước đây đất này được gọi là Khau Tàng. Khau nghĩa là lên dốc. Tàng là đường. Nôm na là để đến được đất này, chỉ có leo dốc mà đến thôi. Dẫu đất đai phì nhiêu, cả vùng thung lũng hiền hòa, nhưng không ai chọn nơi này làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Có lẽ từ chính cái tên Khau Tàng ấy. Đồng bào Tày ở những thôn dưới của Yên Thuận chỉ chọn thung lũng này để bẫy chim, săn thú.

Những năm 78, 80 của thế kỷ trước, những người Mông đầu tiên ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) di cư về đây lập nghiệp. Lâu dần lập thành làng, thành bản. Để “Việt hóa” tên thôn, họ đặt tên là Cao Đường. Hiểu đơn giản là đường đến thôn cao quá, xa quá.

Ông Dương Minh Toàn được bầu làm Bí thư chi bộ Cao Đường từ năm 1999. Sau này, kiêm thêm chức Trưởng thôn. Ông bảo, do nhiều nguyên nhân, phần vì trình độ dân trí không đồng đều, phần vì đường giao thông chưa đồng bộ, nên việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật, cách làm mới của người dân ở Cao Đường còn nhiều khó khăn.

Cả vùng thung lũng rộng lớn, ruộng bằng phẳng nằm bao trọn lấy thôn nhưng chủ yếu trồng lúa, ngô một vụ xen kẽ một số cây rau đậu khác. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Dương Minh Toàn bàn với chi bộ, phải làm gì để đời sống người dân không thể nghèo mãi trên lợi thế này được. Ông khai phá được 1.500 m2 ruộng. Rồi ông xuống xã học người Kinh, người Tày làm trang trại. 1 ha đất cũng được ông khai phá để làm trang trại, nuôi đủ từ lợn, dê, gà.

Ông bảo, muốn bà con mình nghe theo, làm theo, thì mình phải gương mẫu làm trước, rồi vận động các đảng viên làm theo. Từ trang trại đầu tiên của Bí thư chi bộ Dương Minh Toàn, đảng viên Giàng Seo Sàng, Lý Kim Thạch, Thào Xuân Sình... cũng dần học theo. Những trang trại đầu tiên của Cao Đường hình thành như thế.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, trong 23 năm làm Bí thư chi bộ, rồi kiêm chức Trưởng thôn, ông đã vận động người dân trong thôn khai hoang thêm gần 10.000 m2 ruộng nước.

Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Dương Minh Toàn khoát tay chỉ, giờ, cả lòng thung lũng Cao Đường, hơn 30 ha ruộng màu mỡ bao trọn lấy thôn. Tuy nhiên, vì đều là đất ruộng khai hoang, bờ thửa gần như chỉ mang tính tương đối, nhà nọ chỉ cho nhà kia biết đâu là ranh giới. Đời ông bà, bố mẹ không sao, đến đời con nhà đắp sang bên này một chút, đắp sang bên kia một chút lại thành tranh chấp. Nhiều vụ việc, chỉ vì những ranh giới “thủ công” này mà mất đoàn kết, thậm chí kiện tụng kéo đến cả xã. Ông phải họp dân lại, phân tích đúng sai. Đồng thời, phân chia lại theo cách truyền thống nhất là chia đôi phần tranh chấp, mỗi nhà một nửa.

Từ năm 2019, năm nào ông Dương Minh Toàn cũng được dân tín nhiệm bầu là Người có uy tín. Những việc ông làm, những lời ông nói mỗi ngày, với người Mông, người Dao ở Cao Đường như những thanh âm của rừng, của núi, trầm lắng mà quyền uy.

Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Người có uy tín Dương Minh Toàn hướng dẫn người dân trồng rau màu, tham gia vào chuỗi liên kết của Hợp tác xã
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Người có uy tín Dương Minh Toàn hướng dẫn người dân trồng rau màu, tham gia vào chuỗi liên kết của Hợp tác xã

Cánh cửa thoát nghèo

Trên bản đồ du lịch của tỉnh, 2 năm trở lại đây, Cao Đường được nhiều người biết đến hơn với danh xưng “Sa Pa” của Hàm Yên. Nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, Cao Đường hưởng trọn khí hậu mát mẻ quanh năm. Cán bộ văn hóa xã Yên Thuận Nguyễn Văn Chiến cho biết, ở Cao Đường, giữa tháng 5, tháng 6 trồng bắp cải, cây vẫn cuộn tròn và chắc nịch, như bắp cải người đồng bằng trồng vào mùa đông. Đủ thấy, nền khí hậu ở đây ưu đãi người dân Cao Đường như nào.

Nhưng không phải ai cũng biết tận dụng lợi thế ấy để làm giàu. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Dương Minh Toàn bảo, bà con ở đây chân chất, vốn dĩ chỉ nghĩ làm sao để đủ ăn đủ mặc thôi, chưa ai nghĩ nhiều đến chuyện làm giàu đâu. Cả thôn có 82 hộ, thì hộ nghèo vẫn còn chiếm đến hơn 80%. Bài toán giảm nghèo, rồi bài toán môi trường là những bài toán cần nhiều thời gian với không chỉ ông Toàn, mà với cả Yên Thuận.

Đám trâu bò ở nhà, trước ông Toàn cũng buộc dưới sàn. Phân trâu phân bò lẫn với mùi đất nồng ẩm quẩn vào người khách mỗi khi bước vào nhà. Giờ ông làm trang trại, dựng cái chuồng trại cẩn thận, buộc đàn trâu, đàn bò ở đấy. Chất thải từ đàn trâu, bò ông lại chuyển làm phân xanh để bón cho cây trồng. Giờ cuộc họp nào ông cũng vận động bà con không chăn thả rông gia súc. “Mấy nữa có khách miền xuôi đến, rồi xa hơn là khách nước ngoài đến, nhìn thấy phân trâu phân bò đầy đường họ sợ họ không dám trở lại đâu...”. Giờ chưa nhiều nhà làm được, nhưng ông tin, cứ kiên trì, rồi mọi người cũng sẽ theo thôi.

Năm 2019, đồng loạt đường bê tông, đường điện đã về được tới Cao Đường. Cả thôn như “bừng tỉnh” sau một giấc ngủ đông dài.

Cao Đường được tỉnh, huyện lựa chọn xây dựng thành một trong những điểm du lịch sinh thái mới sau đại dịch Covid-19. Được đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Dương Minh Toàn tiên phong cải tạo ngôi nhà sàn của mình để làm Homestay trước. Sau ông Toàn, là nhà ông Giàng Seo Sàng, Đặng Văn Ảnh, Lý Kim Thạch...

Ông Toàn cười bảo, những con mình nuôi ở trang trại mấy nữa sẽ không phải tìm đầu ra nữa mà để phục vụ khách luôn. Khách cần con gì, nhà mình cung cấp con đấy, toàn đồ rừng núi cả nhé. Không chỉ bán cho khách đến Cao Đường đâu, khách về xuôi cần gì, chỉ cần “A lô” cho mình là mình gửi xe về đến tận nhà. Rồi ông khoe, qua cái Zalo, Phây búc (Facebook), năm vừa rồi nhà ông bán được không biết bao nhiêu tạ dưa nương - loại dưa của người Mông chỉ trồng trên nương, chất lượng thì thơm ngọt và đậm đà hương vị núi rừng. Thấy nhà ông làm được, nhiều nhà học theo lắm.

Tháng 3/2021, Hợp tác xã Rau - thảo dược Cao Đường được thành lập. Ông Toàn cũng là một trong những thành viên đầu tiên tham gia trồng các sản phẩm rau củ trái vụ. Giờ cả thôn có 3.000 m2 rau trái vụ, ông bảo mấy nữa Hợp tác xã trồng thêm cây dược liệu, chắc chắn diện tích sẽ còn mở rộng hơn. Thu nhập của bà con ở Cao Đường cũng sẽ được nâng lên nhiều hơn.

Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cao Đường, Người có uy tín Dương Minh Toàn cười bảo, việc vận động bà con ở đây, không có gì bằng người thật việc thật. Mỗi ngày một ít. Mỗi tháng một ít. Mỗi năm một ít. Chỉ cần mình hướng dẫn bà con đi đúng đường, thì không lo gì không đến đích cả!.

----

(*) Tít bài do Báo Dân tộc và Phát triển đặt

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.