Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Những cánh chim đầu đàn” ở bản làng

Nhóm PV - 09:19, 03/02/2022

Đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp... là những việc làm hằng ngày của đội ngũ Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS. Họ như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt người dân luôn vững tin theo Đảng, Nhà nước xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển.

Ông Chi Viết Hải, Người có uy tín của đồng bào Lô Lô ở Khuổi Khon.
Ông Chi Viết Hải, Người có uy tín của đồng bào Lô Lô ở Khuổi Khon.

Tấm gương tiêu biểu của đồng bào Lô Lô

Trong chuyến công tác tại xã vùng cao Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng, chúng tôi được lãnh đạo xã giới thiệu đến xóm Khuổi Khon gặp ông Chi Viết Hải, dân tộc Lô Lô, là một trong những Người có uy tín tiêu biểu của xã. Mặc dù năm nay đã 61 tuổi, nhưng ông Hải vẫn rất nhanh nhẹn và tháo vát. Ông không quản ngại bất cứ công việc gì của bà con trong xóm.

Ông Hải kể: Khuổi Khon hiện có 60 hộ, 283 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống. Trước đây, bà con trong bản chủ yếu trồng ngô, trồng sắn nên cái đói, cái nghèo luôn đeo bám quanh năm. Vốn là cán bộ hưu trí của xã, hơn ai hết ông là người hiểu rõ những khó khăn, vất vả của bà con, ông luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

“Tôi nghĩ, mình phải làm cái gì đó để giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, mà muốn được như vậy mình phải là người đi trước, làm trước mới vận động được bà con làm theo” ông Hải chia sẻ.

Nghĩ là làm, ông Hải đã bắt tay vào phát triển chăn nuôi bò, nuôi lợn và trồng rừng mang lại thu nhập cho gia đình từ 70 - 90 triệu đồng. Nhận thấy ông phát triển chăn nuôi mang lại thu nhập, bà con Lô Lô trong bản đã phát triển chăn nuôi bò, lợn và trồng rừng mang lại thu nhập ổn định.

Đi một vòng quanh xóm, điều dễ dàng nhận thấy đường giao thông nông thôn của xóm luôn sạch đẹp, nhà cửa của bà con cũng được dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp, không có chuyện thả rông gia súc dưới gầm nhà sàn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hải bảo đó là thành quả trong việc vận động người dân xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo vệ môi trường, ăn ở vệ sinh sạch sẽ. “Năm 2017, khi chính quyền địa phương đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, tôi đã tích cực tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, ăn ở vệ sinh sạch sẽ, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô... Gia đình tôi cũng tiên phong đi đầu làm homestay, mang lại thu nhập để bà con noi theo” ông Hải cho biết.

Không chỉ đi đầu để vận động bà con phát triển kinh tế, trong công tác xây dựng NTM, ông Hải cũng là người có công lớn. Năm 2020, từ nguồn vốn Quyết định 2086, xóm Khuổi Khon được phân bổ vốn để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, người dân rất vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, thôn rất khó khăn về quỹ đất để làm nhà văn hóa, chính vì thế ông đã bàn bạc và thống nhất với vợ con quyết định hiến hơn 800m² đất cho thôn để xây dựng nhà văn hóa. Đến nay công trình đã được thi công xong và đưa vào sử dụng, tạo cho người dân trong thôn hết sức phấn khởi, vui mừng. Bên cạnh đó, ông còn vận động các hộ trong xóm đóng góp trên 350 ngày công lao động, được trên 50 triệu đồng để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở của xóm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất.

Đánh giá về tấm gương của ông Chi Viết Hải, Chủ tịch UBND xã Kim Cúc, Nông Văn Khánh nhận xét: Ông Hải là Người có uy tín trong đồng bào DTTS, luôn được Nhân dân tại địa phương tín nhiệm, tin tưởng. Ông Hải từng làm cán bộ xã, nên rất am hiểu về pháp luật, là cầu nối gần gũi giữa chính quyền và bà con đồng bào dân tộc, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền vận động bà con xoá bỏ các hủ tục, phấn đấu lao động phát triển kinh tế gia đình.

Người tiên phong bài trừ hủ tục lạc hậu của đồng bào Mông

Ông Vàng Dúa Di, 62 tuổi, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín tiêu biểu của bản Chà Mạy, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, Sơn La. Ông là người có công lớn vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong đời sống của đồng bào Mông.

 Ông Vàng Dúa Di (thứ 2 từ trái qua) trong một buổi tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Vàng Dúa Di (thứ 2 từ trái qua) trong một buổi tuyên truyền người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sinh ra và gắn bó cả cuộc đời với bà con dân bản nên ông Vàng Dúa Di luôn thấu hiểu những khó khăn của bà con. Một trong những nguyên nhân khiến người dân cứ mãi quẩn quanh với đói khổ là bà con vẫn còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu như thách cưới cao, cúng tế tốn kém khi có người thân qua đời… nên đời sống luôn luẩn quẩn trong vòng đói nghèo.

Ông bảo: “Trước đây, người dân trong bản sống di cư tự do, tảo hôn, thách cưới cao ít nhất 10 - 20 đồng bạc trắng, người chết để trong nhà 4 - 5 ngày, mỗi ngày mổ 1 con bò hoặc trâu để làm ma, rất tốn kém. Nhiều gia đình không có tiền phải vay mượn mua trâu, bò, có khi cả đời con mới trả hết nợ, cái vòng nghèo đói luẩn quẩn hết đời này sang đời khác...”.

“Là Người có uy tín của bản, được tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong vùng đồng bào Mông. Tôi luôn muốn vận động bà con dân bản xoá bỏ những phong tục lạc hậu, thay đổi nếp nghĩ cách làm để phát triển kinh tế” ông Di cho biết.

Bản thân là trưởng dòng họ Vàng, ông đã tích cực đến nhà trưởng các dòng họ và từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con xoá bỏ hủ tục. Không dừng lại từ lời nói mà để bà con tin, ông đã chứng minh từ việc làm thiết thực của gia đình.

Khi con gái ông Di đi lấy chồng, gia đình ông không thách cưới bằng bạc trắng, chỉ lấy 500 nghìn đồng và tổ chức cưới hỏi gọn nhẹ, không ăn uống dài ngày như trước. Còn khi gia đình có người qua đời, ông Di họp gia đình thống nhất tổ chức đám tang theo nếp sống mới, đưa người mất vào áo quan và để trong nhà không quá 2 ngày...

Bà con trong bản thấy ông Di thực hiện việc cưới, việc tang trong gia đình vừa giản dị, tiết kiệm mà vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, các gia đình đã đồng thuận làm theo. Người dân trong bản tập trung lao động sản xuất, cuộc sống của người dân ở bản Chà Mạy và các bản trong vùng từng ngày khởi sắc, những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy.

Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, Sùng Chờ Nó: Nhờ được ông Di tuyên truyền, người dân trong bản tập trung lao động sản xuất. Theo đó, cuộc sống của người dân ở bản Chà Mạy và các bản trong vùng từng ngày khởi sắc, những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy. “Mừng nhất là tháng 4/2021, bản được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp Chà Mạy, cách làm mới hiệu quả từ mô hình đang được bà con học tập và nhân rộng” ông Sùng Chờ Nó cho biết.

Người giữ gìn “báu vật” của cha ông

Là một trong những gương mặt Công dân Thủ đô ưu tú, trong suốt những năm qua, ông Lý Văn Phủ, Người có uy tín ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) đã có nhiều đóng góp để bảo tồn, duy trì chữ viết, văn hóa của đồng bào dân tộc Dao cũng như tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo.

Ông Lý Văn Phủ.
Ông Lý Văn Phủ.

Trong nhiều năm qua, ông đã tận tình giúp đỡ bà con từ công việc của cộng đồng làng xóm đến xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, năm 2013, ông đã được người dân tin tưởng bầu làm Người có uy tín, đến năm 2014 được bầu làm Trưởng thôn Yên Sơn. Trong suốt nhiệm kỳ ông Phủ đã có nhiều đóng góp cho đồng bào, trong đó phải kể đến việc bảo tồn và duy trì chữ viết cổ của người Dao.

Là người đam mê, nhiệt huyết với việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, bao năm qua, ông Phủ đã dành thời gian, chép lại tất cả những bài viết trong những cuốn sách cổ đã nhàu nát để gìn giữ nội dung trong những cuốn sách cổ, nhờ đó, con cháu hiểu được phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của ông cha. Cùng với đó, để duy trì chữ viết cổ, từ năm 2006, ông Phủ đã cùng những người đứng đầu như già làng, trưởng bản đã thường xuyên mở các lớp dạy chữ cho đồng bào tại địa phương.

Ngoài việc miệt mài, không ngừng nghiên cứu các giá trị văn hóa từ kho tàng sách cổ của người Dao, ông Lý Văn Phủ còn có rất nhiều đóng góp cho cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn xã Ba Vì. Điển hình như việc tích cực tuyên truyền Nhân dân tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới, riêng gia đình ông Lý Văn Phủ đã trực tiếp hiến 200m2 đất để làm đường giao thông. Bên cạnh đó, gia đình ông Phủ cũng phát triển nghề trồng thuốc nam, mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Vì vậy, gia đình ông đã trở thành điểm sáng cho bà con trong vùng học tập, noi theo.

Tuy đã nhiều tuổi nhưng ông Lý Văn Phủ vẫn rất nhiệt huyết, tận tâm với công việc chung của xóm làng. Với cương vị là Người có uy tín, ông Phủ đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, hòa giải nhiều mâu thuẫn, công việc chung của đồng bào. Mặc dù có nhiều khó khăn, vất vả và mang danh “người vác tù và hàng tổng” nhưng ông vẫn rất phấn khởi vì đã làm tròn trách nhiệm được bà con giao phó cũng như mang lại niềm vui cho đồng bào.

Với những đóng góp đó, ông Lý Văn Phủ đã được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2017; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2017 về thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Và năm 2019, ông được vinh dự là một trong 10 gương mặt Công dân ưu tú của Thủ đô.

Cánh chim đầu đàn giữ bản làng yên vui

Ông Hoàng Văn Nghị, dân tộc Tày, sinh năm 1954, trú tại thôn 6, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS đã hơn 10 năm nay. Nhiệt tình, gương mẫu, lời nói đi đôi với hành động, luôn tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc là những nét nổi bật về ông Nghị mỗi khi nhắc đến. Ông được ví như “cánh chim đầu đàn”, dẫn dắt cộng đồng vươn lên vượt khó.

"Những cánh chim đầu đàn” ở bản làng 3

Trước đây, ông Nghị làm Bí thư Chi bộ thôn 6, xã Tân Lĩnh 3 nhiệm kỳ. Đến năm 2012, khi nghỉ hưu, được sự tin tưởng của người dân, ông được bầu là Người có uy tín trong thôn. Xác định bản thân giữ nhiều vai trò quan trọng, ông Nghị luôn đặt ra quy tắc phải tiên phong đi đầu trong các hoạt động của thôn.

Là người từng tham gia công tác xã hội, am hiểu về pháp luật nên ông thường xuyên vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế gia đình để nâng cao đời sống. Phát huy vai trò của một người đảng viên gương mẫu, ông Nghị luôn đi đầu trong các phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào xây dựng nông thôn mới…

Như trong quá trình xây dựng, nâng cấp tuyến đường liên xã Tân Lĩnh - Tân Lập – Phan Thanh, ông đã trực tiếp cùng với lãnh đạo thôn, xã vận động người dân, bàn giao, hiến đất, quyên góp để tạo mặt bằng, tạo thuận lợi cho quá trình làm đường. Việc này cũng nhằm mục đích phục vụ người dân, phát huy được sự đoàn kết, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển của người dân, giúp giao thông đi lại thuận tiện, dễ dàng.

Bằng những hành động thực tế miệng nói, tay làm, ông tích cực vận động Nhân dân trong thôn tìm cách làm đạt kết quả cao trong xây dựng mô hình kinh tế gia đình, phấn đấu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay trong thôn chỉ còn khoảng hơn 10 hộ thuộc diện nghèo, đời sống còn gặp khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.