Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người có uy tín ở Tu Thó

Thuỳ Dung - 19:35, 18/03/2022

Người dân thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum kính nể già làng, Người có uy tín A Đúp không chỉ vì ông luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào ở địa phương; là gương sáng về phát triển kinh tế gia đình mà còn vì ông là người tiên phong vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Già làng, Người có uy tín A Đúp (thứ 3 từ trái qua) đang trò chuyện với người dân ở thôn Tu Thó
Già làng, Người có uy tín A Đúp (thứ 3 từ trái qua) đang trò chuyện với người dân ở thôn Tu Thó

Nói dân nghe, làm dân tin

Trong chuyến công tác về thăm thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum chúng tôi có dịp trò chuyện với già làng A Đúp, Người có uy tín của thôn và cũng là người có nhiều đóng góp giúp đồng bào giảm nghèo vươn lên làm kinh tế. 

Bên mái nhà rông của làng, già A Đúp tâm sự: “Sau 2 nhiệm kỳ làm Bí thư chi bộ thì năm 2018 dân làng tín nhiệm bầu mình làm già làng, Người có uy tín. Thôn Tu Thó là một thôn khó khăn, đời sống người dân vẫn còn nghèo vì chưa mạnh dạn trong việc thay đổi nếp nghĩ cách làm. Vì vậy để giúp người dân tin và nghe thì mình phải đi đầu trong mọi công tác”.

Vừa qua, chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân di dời lên nơi ở mới cách làng vài trăm mét để tránh tình trạng sạt lở, mưa bão ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ không chịu di dời về nơi ở mới bởi đã quen với khu tái định cư cũ vì gần khu sản xuất của bà con, và nhiều hộ không muốn chuyển nhà vì sợ tốn kém. Già A Đúp chia sẻ: “Mình cùng với các cán bộ xã họp dân, vận động, tuyên truyền nhiều ngày liền ở nhà rông thì các hộ mới đồng ý di dời. Mình phải phân tích cặn kẽ những lợi ích khi về khu tái định cư mới như được hỗ trợ tiền di dời, có điện, đường, trường, đầy đủ. Ngoài ra, công tác di dời còn có các chú bộ đội giúp đỡ để người dân yên tâm tin tưởng  di dời về nơi ở mới.

Với uy tín của mình, già làng A Đúp đã tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Già làng A Đúp bộc bạch: “Tu Thó là một thôn với 100% dân số là đồng bào DTTS, xa với trung tâm xã nên trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Vì vậy, khi có các chủ trương mới của các cấp triển khai về thôn tôi luôn tìm cách để tuyên truyền đến người dân sao cho hiệu quả. Điển hình như vận động người dân đồng lòng, đồng sức xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền đến các gia đình trong thôn quan tâm con cái để cho con đến trường học cái chữ, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”.

Gương sáng làm kinh tế giỏi

Không chỉ gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào ở địa phương, già làng A Đúp còn là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi và giữ gìn bản sắc dân tộc ở thôn Tu Thó.

“Ngày trước gia đình mình cũng trồng cây lúa, cây mì để ăn. Sau này, được tiếp cận khoa học kĩ thuật, tham gia nhiều lớp tập huấn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì mình nhận thấy vùng đất này rất phù hợp để phát triển trồng sâm dây và sâm Ngọc Linh nên đã mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư. Tuy chi phí trồng sâm cao nhưng lại mang lại hiệu quả và được chính quyền địa phương tạo điều kiện nên mình quyết tâm làm để phát triển kinh tế gia đình”, già làng A Đúp cho biết thêm.

Nhờ sự tiên phong, mạnh dạn trong việc thay đổi nếp nghĩ và tư duy sản xuất đến nay gia đình già A Đúp có hơn 3 ha mì, 2 ha cà phê, 1 ha sâm dây và 200 gốc sâm Ngọc Linh. Mỗi năm gia đình ông thu được 200 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Vừa qua, khi về khu tái định cư mới già làng A Đúp đã xây được cho mình căn nhà hơn 300 triệu đồng...

Ở thôn Tu Thó già làng A Đúp cũng là một tấm gương sáng trong công tác giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc. Phát huy vai trò già làng, Người có uy tín già A Đúp cũng thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền người dân bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của người Xê Đăng như các ngày lễ, hội, những bài hát đối, hát kể, sử thi và giữ gìn Không gian văn hóa cồng chiêng,…

Ngoài làm tốt vai trò đầu tàu của thôn Tu Thó, già làng A Đúp còn là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi và giữ gìn tốt bản sắc dân tộc
Ngoài làm tốt vai trò đầu tàu của thôn Tu Thó, già làng A Đúp còn là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi và giữ gìn tốt bản sắc dân tộc

Ghé thăm căn nhà của già A Đúp ở khu tái định cư mới, chúng tôi được già mời chiêm ngưỡng bộ chiêng cổ, những chiếc chum, ché quý đã được già gìn giữ nhiều năm qua. Đưa tay lau lớp bụi còn vương trên bộ chiêng, già A Đúp bộc bạch: “Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, vì vậy bảo tồn văn hóa là trách nhiệm của mỗi người. Bộ chiêng quý này được dùng khi làng vào mùa lễ hội. Khi thanh âm cồng chiêng cất lên giúp gắn kết con người với đất trời, thể hiện sự đoàn kết của dân làng. Vì vậy, bao năm qua dù ai hỏi mua mình cũng không bán để giữ gìn vốn quý dân tộc”, già làng A Đúp chia sẻ.

Ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng cho biết: Dù ở cương vị nào già làng A Đúp cũng là một tấm gương sáng để người dân noi theo, học tập. Nhờ có già làng A Đúp mà đời sống nhân dân ở làng Tu Thó đã nhiều thay đổi, người dân đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, từ đó vươn lên thoát nghèo đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.