Chuyển từ chính sách cho không sang cho vay
Nước ta có 53 DTTS với hơn 14 triệu người cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm ba phần tư diện tích cả nước. Trong nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng.
Tuy nhiên, một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống đồng bào các DTTS còn khó khăn. Một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả…Một bộ phận người nghèo vẫn chưa chủ động tự vươn lên thoát nghèo, khiến cho công tác giảm nghèo bền vững đã khó lại càng khó khăn hơn.
Trước thực tế đó, chủ trương của Đảng, chính sách dân tộc của Nhà nước giai đoạn gần đây, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 thay đổi từ chính sách cho không sang cho vay có điều kiện. Việc thay đổi cách thức hỗ trợ cho người nghèo; nhân rộng các mô hình, sáng kiến giảm nghèo tốt; ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trong giảm nghèo phù hợp với từng địa phương.
Điển hình như tại huyện Tân Sơn, Phú Thọ, từ mô hình hoạt động trợ giúp sinh kế cho người nghèo thông qua Dự án “Hỗ trợ vốn giúp các hộ nghèo nuôi bò sinh sản phát triển kinh tế hộ gia đình nâng cao đời sống trên địa bàn huyện Tân Sơn”, đã giúp nhiều hộ dân có “cần câu” để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên lên thoát nghèo.
Chị Hà Thị Hồng Chí, xóm Vượng xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn cho biết: "Năm 2018, gia đình tôi được vay 12 triệu đồng từ Dự án hỗ trợ vốn giúp các hộ nghèo nuôi bò sinh sản. Gia đình tôi đã mua 1 con bò cái. Trong quá trình chăn nuôi gia đình luôn chăm sóc cẩn thận, tiêm phòng đầy đủ và trồng cỏ để lúc nào cũng có đủ thức ăn cho bò nên con bò phát triển tốt, đến nay bò đã đẻ được 2 lứa, con nào cũng khỏe mạnh".
“Gia đình rất phấn khởi. Tôi mong muốn thời gian tới có nhiều dự án, chương trình hỗ trợ về cây giống, con giống cho người nghèo hơn nữa để cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo” chị Chí cho biết.
Còn đối với gia đình chị Vương Thị Quyên, xóm Nà Sai, xã Lương Can, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế vườn ao chuồng, chị đã mạnh dạn nuôi 3 con lợn nái, 15 – 20 con lợn thịt. Từ chăn nuôi lợn thịt và lợn giống, mang lại cho gia đình chị thu nhập đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình và số tiền còn dư để tích lũy, chị tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng cây thuốc lá để tăng thu nhập. Đến nay, gia đình chị Quyên đã xây dựng được một ngôi nhà kiên cố với tổng diện tích 145m2, cuộc sống gia đình chị đã có của ăn của để, các con được đi học đầy đủ.
Mô hình hỗ trợ vay vốn, chỉ là một trong những mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, với phương châm “Cho cần câu, không cho con cá”. Từ các chính sách hỗ trợ vốn phát triển sản xuất đã giúp người nghèo có sinh kế lâu dài, từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào
Để nâng cao nhận thức của bà con, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở triển khai thực hiện, với nhiều hình thức như, tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng, phát động các cuộc vận động nhằm nâng cao ý thức cho người dân vươn lên thoát nghèo…
Điển hình như tại Kon Tum, địa phương này đã phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Cuộc vận động như thổi “làn gió mới” vào đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Hưởng ứng cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chị Y Khanh thôn Mô Po, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei tự tin vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để chuyển đổi diện tích trồng bời lời, trồng sắn sang trồng 2ha sâm dây.
Được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, chị đã áp dụng cây sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm được Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã kí kết tiêu thụ với Hợp tác xã, nên chị yên tâm sản xuất. Mỗi vụ trồng sâm dây, mang lại thu nhập cho gia đình chị Khanh cả trăm triệu đồng.
Chị Y Đương, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho biết: Từ cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã được đông đảo người dân trên địa bàn hưởng ứng. Việc trồng cây dược liệu, nhất là sâm dây gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã trở nên phổ biến. Thu nhập của người dân đã từng bước cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Qua rà soát, tỉnh Kon Tum có gần 30 nghìn hộ DTTS được tuyên truyền, vận động, gần 11 ngàn hộ DTTS thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, chủ động vươn lên thoát nghèo; trên 17 ngàn hộ DTTS biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; trên 9 ngàn hộ DTTS có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS toàn tỉnh giảm từ 3-4%/năm.
Rõ ràng, từ chủ trương đổi mới cách tổ chức triển khai các mô hình giảm nghèo, tăng vay, giảm cho không, hỗ trợ có điều kiện đã tạo sinh kế ổn định, phát huy nội lực của đồng bào các DTTS. Thay đổi này đã tạo bước chuyển trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.