Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Công tác Dân tộc - Chính sách dân tộc

Nữ trưởng thôn giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Thùy Dung - 06:39, 22/11/2022

“Gương mẫu, nhiệt huyết, năng nổ trong các hoạt động tại địa phương”, đó là đánh giá của ông Lê Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) dành cho chị Hà Thị Quỳn, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn của thôn 9 xã Ia Tơi.

Trưởng thôn Hà Thị Quỳn (bên phải) là tấm gương sáng điển hình của thôn 9
Trưởng thôn Hà Thị Quỳn (bên phải) là tấm gương sáng điển hình của thôn 9

Vì hoàn cảnh khó khăn nên năm 2010, gia đình chị Hà Thị Quỳn đã chuyển vào thôn 9, xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) để sinh sống. Với sự nhiệt huyết, năng động, chị Quỳn được người dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng của thôn như: Chi hội trưởng hội Phụ nữ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.

Gắn bó với công tác cơ sở nhiều năm, chị Hà Thị Quỳn cho biết, thôn 9, xã Ia Tơi có 165 hộ, hơn 80% số hộ là người dân tộc Thái. Thời điểm người dân mới chuyển vào đây sinh sống gặp rất thiếu thốn: đường đất đi lại khó khăn, không có điện, không trường học, nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước suối, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, trong các buổi tiếp xúc cử tri, chị Quỳn thường xuyên thay mặt bà con gửi gắm tâm tư, nguyện vọng lên chính quyền địa phương, mong được cấp trên quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho nhân dân thôn 9. Nhờ vậy đến nay, bộ mặt nông thôn mới của thôn 9 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhiều năm qua, bằng sự nhiệt huyết và năng nổ, không ngại gian khó của mình, chị Quỳn đã là cánh tay nối dài của các cấp, chính quyền xã Ia Tơi trong công tác vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chị Quỳn chia sẻ: Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, mình cùng với các cấp, chính quyền và Người có uy tín ở thôn vận động nhân dân thay đổi phương thức sản xuất để phát triển kinh tế. Đầu tiên là thay đổi tập quán canh tác sản xuất. Khi tiếp cận với phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mình vận động bà con khai hoang đất làm ruộng nước để trồng lúa hai vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn thôn có hơn 60% số hộ chuyển đổi sang trồng lúa hai vụ.

Ngoài vận động bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hà Thị Quỳn còn vận động người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển kinh tế gia đình. “Ban đầu người dân không dám tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, vì sợ vay rồi không biết lấy gì để trả. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, bà con hiểu được lợi ích của việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư nuôi bò, nuôi heo, trồng điều sẽ mang lại hiệu quả cao. Nhờ vậy đến nay, đã có trên 120 hộ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư chăn nuôi, sản xuất”, trưởng thôn Hà Thị Quỳn cho biết thêm.

Ngoài công việc vận động người dân thay đổi, nếp nghĩ, cách làm tập trung chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, chị Hà Thị Quỳn còn thường xuyên vận động người dân trong thôn bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái như múa xòe, nấu các món ăn truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian… thông qua đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết dân tộc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Quỳn không ngừng nhắc về những đổi thay của thôn 9 so với những ngày đầu người dân mới vào đây lập nghiệp. Hiện nay, đời sống của người dân thôn 9 đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã đầu tư các công trình điện, trường học, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất,… tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế, con cháu đi học thuận lợi hơn…

Với vai trò của mình chị Quỳn (thứ 2 bên phải) đã vận động chị em trong thôn tích cực giữ gìn văn hóa truyền thống
Với vai trò của mình chị Quỳn (thứ 2 bên phải) đã vận động chị em trong thôn tích cực giữ gìn văn hóa truyền thống

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đổi mới tại thôn 9, vẫn còn một số khó khăn do địa hình cách trở nên việc tiếp cận thông tin của người dân trong thôn còn hạn chế. Hiện tại, con đường vào thôn 9 vẫn là đường đá lổm chổm nhiều ổ voi, ổ gà và cách UBND xã Ia Tơi 40km, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân.

Chị Quỳn chia sẻ: “Mình rất mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn nữa về việc làm đường cho bà con để thuận lợi di chuyển và giao thương. Đầu tư thêm cơ sở vật chất cho các cháu mầm non và xây dựng nhà văn hóa cho thôn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân”.

Ông Lê Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi nhận xét: Trưởng thôn Hà Thị Quỳn là một tấm gương sáng về sự gương mẫu, năng nổ, nhiệt huyết, không ngại khó khăn, vất vả. Chị đã phát huy tốt vai trò Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ của thôn 9 trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo tồn văn hóa dân tộc, từ đó góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Chiều 16/12, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.