Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Già làng A Song Ba- Người có uy tín điển hình làm theo Lời Bác

Trần Cao Anh - 05:20, 10/11/2022

Năm 2021, thôn Lao Đu, xã Phước Xuân được Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam tặng Giấy khen “Thôn bản văn hóa kiểu mẫu”. Lao Đu cũng là thôn văn hóa kiểu mẫu 10 năm liên tục (2010-2020). Để có được thành tích đó, bên cạnh sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và người dân trong bản còn có sự đóng góp, cống hiến hết mình của già làng, Người có uy tín A Song Ba, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lao Đu.

Già làng- Người có uy tín A Song Ba, Bí thư Chi bộ thôn Lao Đu đại diện cho nhân dân trong xã, phát biểu tại Lễ công bố xã Phước Xuân đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020
Già làng- Người có uy tín A Song Ba, Bí thư Chi bộ thôn Lao Đu đại diện cho nhân dân trong xã, phát biểu tại Lễ công bố xã Phước Xuân đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020

Tiên phong gương mẫu trong mọi việc

Làng La Đu cũ cách thôn mới gần 20km, nằm lọt thỏm giữa thung lũng rừng núi âm u nên bệnh tật, sốt rét liên tục hoành hành, người dân làm ăn, sinh sống, đi lại rất khó khăn. Ông A Song Ba là người làng La Đu, đã thoát ly đi theo cách mạng. Nhưng về hưu, ông lại đưa cả gia đình trở về làng cũ.

Trước tình cảnh dân làng vẫn nhiều khó khăn thiếu thốn, ông A Song Ba đã chủ động bàn bạc với trưởng làng và những Người có uy tín trong làng lúc bấy giờ về việc di dời làng đến nơi ở mới tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn. Ông là người đầu tiên trực tiếp cùng tổ thanh niên căng dây, đóng cọc, chia thành các ô vuông để từng hộ gia đình trong bản làm nhà.

Là người con của bản làng, ông hiểu mình cần phải làm trước để bà con Gié Triêng trong bản “ngó thử mà làm theo”. Do tập quán lâu đời, bà con không có thói quen trồng cây xung quanh nhà, ông đã đi đầu trong việc này. Sau một thời gian, cây nhà ông lớn dần và bắt đầu cho bóng mát. Lúc bấy giờ, người dân trong làng mới hiểu ra giá trị của việc trồng cây xanh.

Trong cuộc vận động bà con xây dựng nhà kiên cố, ông A Song Ba cũng là người đi trước. Nhìn thấy ngôi nhà kiên cố của ông Song Ba luôn vững chãi khi có gió bão, bà con trong bản mới vững dạ làm theo. Ông A Song Ba luôn xông xáo, gương mẫu đi tiên phong trong mọi việc, việc làm nào của ông cũng đúng, cũng phù hợp, vì thế mà ông ngày càng được tổ chức tin tưởng, bà con Gié Triêng tín nhiệm bầu chọn làm Bí thư Chi bộ -Trưởng thôn Lao Đu. Với trách nhiệm được giao, ông A Song Ba không chỉ làm tốt việc nêu gương, mà còn khéo vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Khéo làm công tác dân vận

Với tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì cộng đồng, thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “Việc gì có lợi cho dân mình phải hết sức làm”, già A Song Ba đã cùng với các hội đoàn thể, ban cán sự thôn “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, phân tích cho người dân thấu hiểu.

Già làng A Song Ba tại Ngày hội đại đoàn kết năm 2022
Già làng A Song Ba tại Ngày hội đại đoàn kết năm 2022

Trước đây, đa số các hộ dân ở La Đu có thói quen nuôi thả heo dưới sàn nhà, thả bò đi rông gây ô nhiễm môi trường. Vậy là già A Song Ba đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích nên làm chuồng nuôi gia súc ra xa nhà ở để không gây ra ô nhiễm môi trường sống, bảo đảm sức khỏe. Nghe theo lời già A Song Ba, bà con đã đưa chuồng bò, chuồng heo ra xa nơi ở, môi trường sống trở nên trong lành, sạch đẹp hơn, bà con cảm thấy sức khỏe tốt hơn.

Thôn La Đu chưa có điện lưới quốc gia, ông A Song Ba đã dành dụm tiền làm thủy điện nhỏ đặt tại suối Đắc Xa, cách nhà mình gần 500m. Nhờ vậy, nhà ông đã có điện thắp sáng, chạy quạt mát, xem ti vi… Một số người có điều kiện trong làng thích quá, đến học tập. Vì thế, người Gié Triêng ở La Đu vẫn được nghe thời sự, xem phim. Ông Ba nói giản dị: “Đồng bào dân tộc mình là vậy, họ luôn nhìn vào những cái rất cụ thể, thấy đúng họ mới làm theo"!

Già A Song Ba còn tham gia Ban chỉ đạo của làng, cùng cán bộ thôn và các già làng khác đến từng hộ gia đình phân tích cái hay, cái lợi của làng văn hóa; vận động người dân đăng ký gia đình văn hóa; tham gia soạn thảo hương ước, quy ước cho phù hợp với pháp luật, phong tục, tập quán của bà con các dân tộc; đôn đốc, nhắc nhở các gia đình thực hiện hương ước, quy ước…

Năm 2002, thôn La Đu đăng ký với xã, huyện xây dựng làng văn hóa. 3 năm sau, thôn được công nhận là làng văn hóa cấp huyện. Đến năm 2006, La Đu được công nhận đạt chuẩn làng văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, thôn Lao Đu liên tục đạt chuẩn thôn văn hóa. Hiện nay, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học của thôn được đến trường. Nhiều em đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp và có việc làm ổn định.

Cảnh quan thôn văn hóa Lao Đu hôm nay
Cảnh quan thôn văn hóa Lao Đu hôm nay

Để nâng cao thu nhập cho người dân, già Ba còn trực tiếp tuyên truyền, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm ổn định để nâng cao đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay, thôn La Đu có gần hơn hộ dân, với 1.027 nhân khẩu nhưng thôn không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm chỉ còn 1,8%, tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm hơn 35%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm.

Không chỉ là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn mà già A Song Ba còn đảm nhiệm Tổ trưởng Tổ hòa giải, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn La Đu. Ông luôn học Bác ở phong cách ứng xử gần gũi, khiêm tốn; luôn gần dân sát dân, tìm hiểu kỹ các vấn đề xảy ra để giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của nhân dân. Vì vậy, nhiều năm qua, già A Song Ba đã phối hợp giải quyết được nhiều vụ việc bất hòa trong hôn nhân gia đình, quan hệ làng bản, tận tình giải đáp những thắc mắc của người dân, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong thôn bản.

Ghi nhận sự đóng góp của già làng - Người có uy tín A Song Ba còn được tỉnh Quảng Nam, huyện Phước Sơn và xã Phước Xuân tặng nhiều Bằng khen, giấy khen. Vinh dự hơn, năm 2021, già A Song Ba là 1 trong 12 cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021, được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen; Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh Quảng Nam biểu dương vì có thành tích trong phong trào xây dựng hệ thống chính trị cơ sở giai đoạn 2015 - 2020. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.