Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát huy bản sắc văn hóa trên quê hương Định Quán

Đinh Hiển - 11:17, 31/12/2020

Huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) có 32 thành phần dân tộc, với hơn 37 ngàn người DTTS cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa đặc trưng riêng. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện luôn được chính quyền đặc biệt quan tâm.

Định Quán phục dựng duy trì Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày, Nùng ở xã Thanh Sơn.
Định Quán phục dựng duy trì Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày, Nùng ở xã Thanh Sơn.

Phục dựng lại các lễ hội truyền thống

Ông Trần Bá Đạt, Bí thư Huyện ủy huyện Định Quán cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng kể, cả về quy mô cũng như chiều sâu. Trong đó phải kể đến việc phục dựng các lễ hội.

Lễ hội là một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, một số lễ hội, lễ nghi đã bị mai một. Để khắc phục tình trạng này, huyện Định Quán đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, bảo tồn, phát huy các lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc, như: Lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc Chơ Ro, Lễ cúng Yangkoi, Yang Bơnơm của đồng bào Châu Mạ (dân tộc Mạ)…

Đặc biệt, đối với Lễ hội Lồng Tồng của bà con đồng bào dân tộc Tày, Nùng, thời gian qua đã được chính quyền hỗ trợ, phối hợp cùng bà con khôi phục và duy trì tổ chức. Lễ hội Lồng Tồng thường được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, con người bình an, mạnh khỏe…

"Lễ hội truyền thống của các dân tộc sẽ dần dần bị mai một, nếu như không có sự quan tâm hỗ trợ, khôi phục kịp thời của chính quyền địa phương", ông Sú A Dình, một người dân chia sẻ.

Có thể nói, công tác khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống, đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào; góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất của bà con DTTS trên địa bàn huyện.

Tạo dựng không gian sinh hoạt văn hóa dân tộc

Song song với việc khôi phục và gìn giữ các lễ hội truyền thống, chính quyền huyện Định Quán cũng thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác đầu tư, xây dựng Nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã đầu tư xây mới 2 nhà văn hóa dân tộc. Trong đó, có một Nhà văn hóa của đồng bào Chơ Ro, với kinh phí 9,23 tỷ đồng và một Nhà văn hóa dân tộc Mường, với kinh phí 8,7 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020, huyện cũng đã xin chủ trương xây dựng Nhà văn hóa dân tộc Tày-Nùng tại xã Thanh Sơn.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có 4 nhà văn hóa dân tộc, trong đó có 2 nhà văn hóa dân tộc Chơ Ro, 1 nhà văn hóa dân tộc Châu Mạ và 1 Nhà văn hóa dân tộc Mường. Nhà văn hóa ngoài công năng để trưng bày, lưu giữ các hiện vật văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc, còn là nơi để tổ chức các lễ hội truyền thống đặc sắc, phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho bà con các dân tộc. 

Ông Điểu Cao, già làng dân tộc Chơ Ro cho biết: “Từ ngày có Nhà văn hóa dân tộc, đồng bào chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Việc tổ chức lễ hội cũng như tập luyện cồng chiêng được thuận lợi hơn. Bà con có nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ”.

Nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đồng bào các DTTS, định kỳ 2 năm 1 lần, huyện Định Quán sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số cấp huyện và thành lập Đoàn tham gia Ngày hội cấp tỉnh, với kinh phí trên 290 triệu đồng. Ngày hội đã trở thành ngày gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2017, huyện Định Quán đã tổ chức 2 lớp truyền dạy sử dụng bộ nhạc cụ dân tộc Mường, Khmer cho 40 học viên, với kinh phí trên 52 triệu đồng. Đến năm 2020, tiếp tục mở lớp truyền dạy, nâng cao kỹ năng biểu diễn bộ nhạc cụ ngũ âm cho 20 học viên đồng bào dân tộc Khmer, với kinh phí trên 30 triệu đồng. Hiện nay, các đội nhạc cụ truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện thường xuyên tham gia thi đấu, giao lưu và đã đạt nhiều thành tích...

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.