Long Khánh được biết đến là thủ phủ trái cây của tỉnh Đồng Nai, cũng như vùng Đông Nam Bộ. Hiện nay, ở Long Khánh, thế mạnh kinh tế vườn đang được chú trọng phát huy nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ngày một giàu đẹp. Nhiều hộ nông dân nơi đây đã biết nhanh nhạy với thị trường, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu bền vững.
Điển hình trong số đó là anh Huỳnh Văn Hoàng (sinh năm 1981), dân tộc Chơ Ro, ngụ tại ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, TP. Long Khánh. Gia đình anh Hoàng có gần 3 hécta đất vườn hiện nay đang chuyên canh bưởi da xanh an toàn. Áp dụng công nghệ vào hệ thống tưới tiêu, bón phân… bằng hệ thống điều khiển tự động, qua điện thoại thông minh.
Anh Hoàng cho biết, khu vườn của gia đình anh trước đây chủ yếu trồng tiêu, sau nhiều năm mất giá, thu nhập không được bao nhiêu. Từ khi được Phòng Kinh tế TP. Long Khánh cho tham gia đi học các lớp khuyến nông, kỹ thuật trồng trọt, theo diện ưu tiên thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời được chính quyền ủng hộ, khuyến khích chuyển đổi mô hình cơ cấu cây trồng, năm 2012, anh đã mạnh dạn phá bỏ vườn tiêu để chuyển sang trồng bưởi da xanh theo mô hình chuyên canh.
Anh Hoàng chia sẻ, trong quá trình canh tác, anh chú trọng lựa chọn cây giống tốt, áp dụng các kỹ thuật công nghệ vào chăm sóc và phòng trị sâu bệnh kịp thời trên cơ sở kết hợp giữa kinh nghiệm và hướng dẫn khoa học. Do đó, vườn bưởi của anh luôn tươi tốt, cho năng suất cao. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch khoảng 75 tấn bưởi. Sau khi trừ các chi phí, anh thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Thấy được hiệu quả từ mô hình chuyên canh bưởi da xanh an toàn, anh Hoàng đã vận động bà con đồng bào Chơ Ro cũng như nông dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang mô hình trồng bưởi da xanh an toàn. Anh tích cực đứng ra chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng công nghệ vào thâm canh giống cây trồng hiệu quả này cho bà con.
Cũng từ đó, ở xã Bảo Quang đã hình thành nên tổ hợp tác bưởi da xanh an toàn, do anh Hoàng làm Tổ trưởng. Hiện nay, Tổ hợp tác chuyên canh bưởi da xanh an toàn của anh đã mở rộng diện tích khoảng 100 hécta, với 16 thành viên, trở thành một trong những tổ hợp tác có diện tích trồng bưởi da xanh lớn nhất nhì ở TP. Long Khánh.
Theo anh Hoàng, trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn an toàn, nông dân cần tuân thủ rất nhiều nguyên tắc như: Ghi chép nhật ký sản xuất, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc "4 đúng", xây dựng kho chứa thuốc và vật tư nông nghiệp. Bù lại, bưởi da xanh truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.
Việc sản xuất sản phẩm theo tiêu chí an toàn là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp thời kỳ đổi mới và hội nhập. Anh Hoàng cho biết, Tổ hợp tác bưởi da xanh an toàn của anh đã được công nhận và được ký hợp đồng cung cấp sản phẩm vào hệ thống siêu thị Satra (Tổng Công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV). Theo anh Hoàng, giá bán bưởi da xanh trên thị trường cũng rất hấp dẫn, lúc cao nhất lên đến 60.000 - 70.000 đồng/kg, lúc thấp nhất cũng được 25.000 - 30.000 đồng/kg. Do đó, người trồng bưởi da xanh như anh và các hộ nông dân ở đây "sống khỏe".
Ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng Phòng Dân tộc TP. Long Khánh cho biết, anh Huỳnh Văn Hoàng là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, không chỉ trong đồng bào dân tộc Chơ Ro, mà còn là tiêu biểu của TP. Long Khánh. Với tinh thần, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như nhanh nhạy bắt kịp xu thế thị trường, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, đến nay mô hình bưởi da xanh an toàn của Huỳnh Văn Hoàng trở thành địa chỉ uy tín để các đoàn đến tham quan và học tập kinh nghiệm.
(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông cùng đồng bào DTTS)