Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những nông dân biến đồi hoang thành “đất vàng”

Lê Phương - 10:01, 01/09/2020

Không bằng lòng với cảnh nghèo khó, nhiều nông dân ở huyện trung du miền núi Hoài Ân (Bình Định) đã bỏ công sức cải tạo những khu đồi hoang cằn cỗi, vốn chỉ trồng cây keo, tràm trở thành vùng “đất vàng” chuyên canh cây ăn quả “đẻ” ra tiền tỷ. Qua đó, góp phần đưa Hoài Ân trở thành “thủ phủ” cây ăn quả đa dạng bậc nhất ở miền Trung.

Lão nông Phạm Đình Độ với vườn quýt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Lão nông Phạm Đình Độ với vườn quýt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chúng tôi đến xã Ân Mỹ, thăm gia đình nông dân Phạm Đình Độ (57 tuổi), đang sở hữu vườn cây ăn quả rộng hơn 7ha trên đỉnh đồi Bà Nông. Vườn trái cây của ông Độ được liệt vào diện lớn nhất huyện Hoài Ân.

Theo ông Độ, trước thập niên 70 của thế kỷ 20, vùng gò đồi có tục danh Bà Nông này chỉ toàn những cây dại và rừng lá thấp. Ông cùng gia đình quyết định khai hoang vùng đất cằn cỗi này để lập nghiệp. Buổi đầu trồng mỳ, điều, keo, tràm kém hiệu quả nên ông Độ quyết tâm chuyển sang trồng cây ăn quả.

Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, ông Độ trồng 200 cây quýt, 200 cây cam sành. Cùng thời gian đó, ông Độ trồng xen cây đu đủ, ớt kim, nghệ… để lấy ngắn nuôi dài. Nói là ngắn, nhưng cứ mỗi năm gia đình ông cũng bỏ túi trên 150 triệu đồng từ bán đu đủ, ớt kim. Trong 2 năm gần đây, gia đình ông Độ liên tiếp trúng đậm vụ quýt, cam, thu về trên 300 triệu đồng/năm.

“Năm nay, dù dịch Covid-19 nhưng vợ chồng tôi vẫn thắng lớn, thu được ngót nửa tỷ đồng. Ngoài ra, tôi còn 1.200 cây bưởi da xanh sắp cho quả. Nếu giữ ở mức giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, từ năm 2022, mỗi năm tôi thu tiền tỷ từ vườn cây ăn quả này”, ông Độ khoe.

Cũng ở huyện Hoài Ân, còn có hộ ông Nguyễn Tiến Trung (40 tuổi, xã Ân Tường Tây) được mệnh danh là “vua bưởi” của Bình Định. Hiện, ông Trung sở hữu khu vườn với hàng ngàn cây bưởi năm roi, bưởi da xanh 5 - 7 năm tuổi. Mỗi năm khu vườn cho thu hoạch 4 - 5 tấn bưởi năm roi, 2 - 3 tấn bưởi da xanh, thu về 150 - 170 triệu đồng. Hay hộ ông Tăng Doãn Ích (72 tuổi, xã Ân Thạnh) trồng khu đồi bưởi da xanh đã cho thu hoạch, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân cho biết: Tổng diện tích cây ăn quả của huyện khoảng 1.500ha, nhưng kỳ vọng nhất là 350ha bưởi da xanh. Cùng với việc hiện thực hóa “thủ phủ” cây ăn quả bậc nhất miền Trung, huyện Hoài Ân đã xúc tiến xây dựng nhãn hiệu cho các loại nông sản. Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân”.

“Trong kế hoạch đến năm 2035, Hoài Ân sẽ phát triển một vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích 2.300ha, sản lượng ước đạt 12.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương”, ông Hòa cho hay.

Cũng theo ông Hòa, trước đây, người dân địa phương không biết trồng cây gì ngoài cây keo, tràm. Nhờ những người đi tiên phong trồng cây ăn quả thành công, đã tạo niềm tin cho những người sau. Giờ đây, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ trồng cây ăn quả.

“Do các yếu tố thời tiết, khí hậu nên mùa vụ cây ăn quả của Hoài Ân trái với mùa vụ ở các vựa cây ăn quả ở khu vực Nam Bộ và cả nước nên đầu ra ổn định, không cạnh tranh. Chúng tôi đang tiếp tục hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, theo hướng VietGAP có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc, xuất xứ…”, ông Hòa thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.