Rừng là sinh mệnh sống của làngChạy xe gần 200 cây số dưới cái nắng hanh rát của mùa khô, qua hàng chục con đèo cua, hơn nửa ngày chúng tôi mới đến trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đóng chân trên địa bàn xã Đăk Som, huyện Đăk G’long, tỉnh Đăk Nông.
Tiếp chúng tôi, ông Khương Thanh Long, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng mở lời: “Thời gian này đã bắt đầu vào mùa khô nên anh em kiểm lâm và tổ bà con nhận khoán vất vả lắm, họ phải ăn dầm nằm dề trong rừng, ngày đêm túc trực để làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng”.
Đối với người Mạ dưới chân núi Tà Đùng, rừng là sinh mệnh sống của cả làng, vì vậy, nhiều đời nay, họ dùng luật tục để kiên quyết giữ rừng. Năm nào rừng bị kẻ gian cưa trộm, bắt thú nhiều là năm đó dân làng sẽ gặp họa, người già trẻ nhỏ trong làng đau ốm liên miên, mùa màng thất bát. Cả làng phải mang trâu vào gốc cây bị chặt làm lễ xin tội với thần rừng.
Già làng K’Cha, dân tộc Mạ cho biết: Từ nhỏ mình đã nghe người già trong làng kể về huyền thoại núi Tà Đùng và chuyện giữ rừng của đồng bào sống dưới chân núi. Đêm đến người Mạ quây quần bên bếp lửa hát cho nhau nghe những bài sử thi về núi Tà Đùng hùng vĩ, sự tích cái tên của từng con suối, ngọn đồi và truyền dạy con cháu rằng việc giữ rừng đại ngàn là bảo vệ sinh mệnh sống của dân làng.
Dù không còn nhớ chính xác từng mốc thời gian, nhưng già K’Cha vẫn còn nhớ lần cây cổ thụ giữa rừng bị lâm tặc chặt trộm; chẳng hiểu có phải là nguyên nhân không, nhưng đúng thời điểm ấy, trong làng có rất nhiều người già, trẻ em lần lượt đổ bệnh. Vì vậy, già huy động dân làng vào rừng sâu tìm gốc cây bị chặt và mang trâu vào làm lễ xin tội với thần rừng để dân làng được sống yên ổn.
“Rừng là rừng thiêng, có thần rừng canh giữ, buôn làng bảo vệ rừng sẽ được thần che chở, cuộc sống dân làng ấm no, nếu để mất rừng làng sẽ gặp đại họa, phải làm lễ xin thần rừng thứ tội. Già luôn căn dặn con cháu của làng phải bảo vệ rừng, già chỉ muốn người ta sống hòa thuận với rừng để bà con mình có sức khỏe, sống ấm no thôi”, già K’Cha chia sẻ.
Giữ rừng... quên Tết
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng bao gồm núi và hồ Tà Đùng, và gần 20.000ha rừng đặc dụng. Bên trong khu rừng là dòng suối Đăk N'teng chảy qua tạo thành hai ngọn thác hấp dẫn và kỳ bí. Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc là các bon làng thuộc xã Đăk P'lao, Đăk R'măng, Đăk Som còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc Mạ, Mông, Dao,.... Hiện khu bảo tồn còn nhiều gỗ, động vật quý hiếm nên rừng Tà Đùng luôn là miếng mồi ngon lâm tặc khắp nơi nhòm ngó, chực chờ xẻ thịt. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm hiện rất mỏng, chỉ hơn hai chục người, không thể quản lý xuể.
Những năm gần đây, cùng với biện pháp bảo vệ rừng bằng luật tục, người Mạ còn tích cực tham gia nhận khoán bảo vệ rừng; kết hợp với lực lượng kiểm lâm ngày đêm tuần tra, canh gác bảo vệ từng cây gỗ, con thú trong rừng. Cả những ngày lễ Tết, khi mọi người được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình thì cộng đồng người Mạ dưới chân núi Tà Đùng vẫn chia ca vào rừng túc trực, canh gác cả ngày lẫn đêm.
Mấy năm trước, anh K’Phương, 37 tuổi xã Đăk Som nhận khoán bảo vệ hơn 30ha rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nên anh thường xuyên đi tuần với cán bộ kiểm lâm. Anh K’Khương cho biết: Các hộ nhận khoán chia tổ, phân công lịch tuần tra rất rõ ràng, mỗi hộ tham gia tuần tra 3-4 lần/tháng, mỗi chuyến đi ở lại rừng vài ngày nên phải chuẩn bị các loại dụng cụ, thuốc men phòng côn trùng cắn, hút máu. Ngày thì đi tuần tra, mang theo lương thực, tìm nơi suối mát nấu ăn, tối giăng bạt, dựng lều giữa rừng ngủ. Trong rừng sương mù xuống dày đặc, mùa lạnh giá buốt thấu da, muỗi bay vo ve khắp lán, phải đốt lửa sưởi ấm mới ngủ được, mùa mưa vắt bám đen chân, phải mang ủng bảo hộ, thoa thuốc chống vắt mới vượt đường rừng được.
Đó là chưa kể đến những khi giáp mặt lâm tặc, chúng ngày càng manh động, hung hãn, sẵn sàng tấn công trả thù những người làm ảnh hưởng đến lợi ích của chúng. “Rừng là sinh mệnh, sự sống của làng, việc bảo vệ rừng đã là truyền thống bao đời đã được già làng căn dặn, mình là con cháu phải nghe theo. Dù tiền công ít, đời sống còn khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy hiểm nhưng đồng bào Mạ luôn đồng lòng giữ rừng”, K’Khương tự hào nói.
Hiện nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng là khu vực đa dạng sinh học với hơn 1.000 loài động thực vật. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, được ưu tiên bảo tồn như: báo hoa mai, vượn má hung, cu li nhỏ, mang lớn, gà lôi vằn, công, niệc mỏ vằn, đặc biệt là vùng chim đặc hữu.
Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nhấn mạnh: Rừng Tà Đùng còn giữ được như bây giờ, công lớn nhờ những hộ nhận khoán nói chung và hộ nhận khoán ở làng người Mạ dưới chân núi Tà Đùng nói riêng. Ngôi làng người Mạ sống dưới chân núi như lính gác cửa, chắn lối vào rừng, lâm tặc muốn vào phá rừng phải bước qua “xác” dân làng. Nhờ đó mà tình trạng xâm hại rừng cũng giảm đi đáng kể.
Những năm qua, các hộ dân phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm bắt nhiều đối tượng săn thú, phá rừng thu giữ nhiều tang vật, ngăn chặn hàng chục vụ lâm tặc mang cưa xăng vào rừng, cùng tổ liên ngành bắt giữ đối tượng phá rừng, hạn chế tối đa diện tích rừng bị lấn chiếm.
“Người Mạ ở Ðăk Som giữ rừng vì rừng chính là nguồn sống, rừng che chở bao bọc cho đồng bào, đồng bào yêu rừng, ngày đêm chung tay cùng lực lượng chức năng giữ rừng”, ông K’Tang, Chủ tịch HĐND xã Ðăk Som cho biết.
Ngôi làng người Mạ sống dưới chân núi như lính gác cửa, chắn lối vào rừng, lâm tặc muốn vào phá rừng phải bước qua “xác” dân làng”.
Ông Khương Thanh Long - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng
LÊ HƯỜNG