Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phân bổ Chi tiêu công cho mục tiêu giảm nghèo: Càng về cơ sở càng... teo

PV - 10:06, 04/04/2018

Trong những năm qua, mặc dù ngân sách nhà nước đã dành phần khá lớn cho công tác giảm nghèo, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Dù tổng chi sự nghiệp y tế rất lớn nhưng chi y tế xã hiện rất thấp (trong ảnh, đồng bào DTTS được chăm sóc sức khỏe). (Ảnh minh họa) Dù tổng chi sự  nghiệp y tế rất lớn nhưng chi y tế xã hiện rất thấp (trong ảnh, đồng bào DTTS được chăm sóc sức khỏe).(Ảnh minh họa)

Ngoài nguyên nhân có quá nhiều văn bản hướng dẫn, gây nên sự chồng chéo, phân tán, xé lẻ nguồn lực thì việc phân bổ định mức chi tiêu công cho các lĩnh vực, các chương trình, dự án không đồng đều cũng là một bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi.

Chồng chéo chính sách

Chi tiêu công là một công cụ quan trọng của Chính phủ nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong chi tiêu công có một nội dung chi riêng biệt tập trung vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo-đó là chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chi tiêu công nhằm mục tiêu xoá đói giảm nghèo còn được thực hiện thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với người nghèo.

Theo số liệu của Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp-Bộ Tài chính, năm 2017, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 7.231 tỷ đồng (trong đó vốn sự nghiệp là 2.231 tỷ đồng; vốn đầu tư là 5.000 tỷ đồng). Ngân sách Trung ương đã bố trí trong chi cân đối ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng đồng bào DTTS.

Ngoài ra, trong quá trình điều hành dự toán năm 2017, ngân sách Trung ương đã bổ sung cho các địa phương để thực hiện chính sách này là 13.004 tỷ đồng. Cũng trong năm 2017, ngân sách nhà nước đã bố trí 2.010 tỷ đồng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp, hiện nay, số lượng chính sách giảm nghèo lớn (có khoảng 150 chính sách) quy định ở nhiều văn bản, trong khi nguồn lực hạn chế dẫn đến tình trạng nguồn lực bị xé lẻ, phân tán, hiệu quả thực hiện chính sách thấp, gây lãng phí nguồn lực.

Nhiều chính sách còn chồng chéo, trùng lắp về đối tượng hoặc địa bàn; một số chính sách có phương thức hỗ trợ chưa phù hợp. Các chính sách chủ yếu tập trung dưới dạng hỗ trợ, cấp bằng tiền mặt hoặc hiện vật, ít chính sách hỗ trợ gián tiếp (như cho vay) nên chưa tạo động lực cho người nghèo thoát nghèo và giảm nghèo bền vững.

Cùng quan điểm với ông Trường, bà Nguyễn Thị Lê Thu, Phó Trưởng ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính-Bộ Tài chính cho rằng, có quá nhiều chính sách hỗ trợ không điều kiện (chính sách cho không) đối với người nghèo, gây tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo của một bộ phận người nghèo. Ngoài ra, một số chính sách được ban hành mà không tính toán đến nguồn lực đảm bảo, không có nguồn để thực hiện, dẫn đến hiện tượng nợ chính sách…

Chênh lệch định mức phân bổ

Một vấn đề cũng khiến các chuyên gia kinh tế quan tâm là lâu nay định mức phân bổ chi tiêu công giữa các tuyến (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) chưa phù hợp; phần lớn tập trung ở tuyến Trung ương, tuyến tỉnh; còn tuyến huyện/xã lại rất nhỏ. Điều này dẫn tới thực trạng, không phải toàn bộ nguồn lực của các chương trình xoá đói giảm nghèo đến được với người nghèo, một số khoản chi có hiệu quả không cao.

Lấy lĩnh vực y tế làm dẫn chứng, lâu nay tỷ lệ ngân sách nhà nước cấp cho y tế tại tuyến Trung ương là 36,8%, tuyến tỉnh là 44,7%, tuyến huyện là 16,2% và tuyến xã là 2,3%. Điều đáng lưu ý nữa là tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hầu hết tập trung tại tuyến Trung ương và tuyến tỉnh (chiếm đến 97%), như vậy mạng lưới y tế cơ sở hầu như không có kinh phí cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách.

Trong mạng lưới y tế cơ sở thì các trạm y tế xã được xác định giữ vị trí “gác cổng” của ngành Y tế, là địa chỉ khám chữa bệnh chủ yếu của người nghèo, hộ đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa. Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện nay chi lương và hành chính của trạm y tế tuyến xã dù chiếm khoảng 30% tổng chi sự nghiệp y tế được phân bổ theo đầu dân nhưng trạm y tế xã vẫn bố trí được rất ít kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Chính bởi vậy, dù tổng chi sự nghiệp y tế hằng năm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng nếu quy thành tiền thì thực tế người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo được thụ hưởng các dịch vụ y tế công là rất khiêm tốn. Theo tính toán của Bộ Y tế, chi y tế xã thuộc vùng núi cao hiện chỉ khoảng 130.000-200.000 nghìn đồng/người dân/năm; vùng núi thấp khoảng 95.000-130.000 nghìn đồng/người dân/năm; đồng bằng khoảng 60.000-80.000 đồng/người dân/năm.

Vì sao có sự chênh lệch này? Điều này xuất phát từ quy định của Luật Ngân sách nhà nước đã trao cho các tỉnh thẩm quyền tương đối rộng trong phân bổ ngân sách cho các cấp thấp hơn. Nếu không chú trọng tính công bằng trong phân bổ nguồn lực thì rất khó khắc phục được tình trạng phân bổ không đồng đều giữa các cấp tỉnh, huyện và xã nếu cấp tỉnh không chú trọng đến tính công bằng trong phân bổ nguồn lực. Vì vậy, ngay tại từng tỉnh cũng cần có cơ chế phân cấp hợp lý giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, sao cho các cấp cơ sở có điều kiện đáp ứng tốt nhất dịch vụ công cho các đối tượng dân cư trên địa bàn và chú trọng đến người nghèo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà trường tại những vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ thực hiện giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học, không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.