Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc trong học đường

Minh Ngọc - 19:35, 26/12/2022

Những năm gần đây, từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông qua các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đồng bào các DTTS đang được cộng đồng quan tâm, lan tỏa trong đời sống xã hội. Đáng phấn khởi, không ít trường học vùng DTTS và miền núi , các thầy cô giáo đã khéo léo lồng ghép việc giới thiệu bản sắc văn hóa vào các tiết học, tạo hứng thú cho học sinh đến trường, đồng thời góp phần nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc trong học đường.

Học sinh Trường THCS Quyết Tiến múa xòe Thái. Ảnh: Hoài Thương
Học sinh Trường THCS Quyết Tiến múa xòe Thái. Ảnh: Hoài Thương

Đến thăm Trường THCS Quyết Tiến (TP. Lai Châu) đúng vào thời điểm nhà trường tổ chức Hội thi "Vũ điệu kết đoàn". Khắp sân trường rực rỡ sắc màu trang phục của các dân tộc. Ngay từ đầu năm học, ngoài các tiết học văn hóa trên lớp nhà trường lồng ghép việc dạy múa xòe Thái cho học sinh. Đến nay, 100% học sinh trong trường đã biết múa xòe Thái. Nhiều em còn thể hiện được điệu múa như diễn viên chuyên nghiệp.

Cô giáo Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Múa xòe Thái không khó nhưng để múa đúng, múa đẹp, nhà trường mời một số bậc cao niên dân tộc Thái trên địa bàn thành phố đến truyền dạy. Sau thời gian tập luyện, nhà trường tổ chức Hội thi "Vũ điệu kết đoàn" để học sinh các lớp, các khối tham gia thi, kèm theo là những phần thưởng khích lệ, động viên. Do trường khó khăn về kinh phí nên việc tổ chức còn đơn giản. Hoạt động này đã góp phần giúp các em có sân chơi bổ ích, đồng thời được giao lưu và tìm hiểu văn hóa DTTS tại địa phương.

Năm học 2020 - 2021, múa gậy sinh tiền được đưa vào nội dung hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THCS Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai). Đây là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Đa phần các em đều rất hứng thú với điệu múa độc đáo này và nhiều em đã múa khá thành thục.

Học sinh Trường THCS Na Lốc tham gia ngoại khóa múa gậy sinh tiền. Ảnh: laocaitv.vn
Học sinh Trường THCS Na Lốc tham gia ngoại khóa múa gậy sinh tiền. Ảnh: laocaitv.vn

“Chúng em rất vui khi bản sắc văn hóa của dân tộc mình được đưa vào các tiết học, các góc trang trí lớp và cả các hoạt động ngoại khóa. Lớp em không chỉ có các bạn người dân tộc Mông, mà còn có cả các bạn người Dao. Chúng em rất vui vì đã được trải nghiệm nhiều hoạt động cùng nhau”, em Thào Tố Trâm, học sinh Trường THCS Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết.

Thay cho dạy học trên lớp như trước kia, cô giáo Nguyễn Thanh Huyền (Trường THCS Na Lốc), đã tổ chức tiết học Âm nhạc ngay trong Phòng Truyền thống của nhà trường. Những mô hình nhà ở của đồng bào DTTS, có trang phục và nhạc cụ truyền thống của các dân tộc, là những dụng cụ trực quan để tiết học thêm phần sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn với cả cô và trò.

“Bản thân tôi cũng tự phải nghiên cứu, học hỏi, đưa các em đến tận nhà các nghệ nhân trong thôn, xã để cùng tìm hiểu, cùng chia sẻ làm sao để các em hiểu hơn, và ngày càng gần hơn với bản sắc văn hóa của cộng đồng mình”, cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, giáo viên dạy Âm nhạc Trường THCS Na Lốc chia sẻ.

Nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Đảng bộ huyện Quang Bình (Hà Giang) đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 5/10/2015 về việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống thông qua giờ học ngoại khóa trong nhà trường.

Các em học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học xã Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) biểu diễn khèn Mông
Các em học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học xã Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) biểu diễn khèn Mông

Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, theo các cơ quan chức năng huyện Quang Bình, kết quả thu được là rất tích cực. Đa số học sinh người DTTS khi tốt nghiệp THCS đều nhận thức đầy đủ về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình; từng bước biết hát các làn điệu dân ca, múa các điệu múa truyền thống, biết sử dụng nhạc cụ, chơi các môn thể thao dân tộc...

Những kết quả tích cực từ hoạt động đưa văn hoá truyền thống vào trường học cho thấy, đây là việc làm cần thiết nhân rộng. Tuy nhiên, thời gian tới, để hoạt động này ngày càng trở nên hấp dẫn, đạt hiệu quả có sức lan toả, các trường học cần lựa chọn nội dung phù hợp với lứa tuổi, tăng thời gian giảng dạy, và lồng ghép mang tính trực quan tạo sự hấp dẫn cho học sinh khi tham gia. 

Trong đó, ưu tiên truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc đang có nguy cơ mai một, các loại hình của đồng bào DTTS rất ít người. Chú trọng việc tổ chức cho các em học sinh giao lưu, học hỏi trong nội bộ nhà trường và giữa các trường với nhau, đặc biệt là các hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử, nghề truyền thống, trải nghiệm các hoạt động tại lễ hội truyền thống...

Việc đưa văn hoá truyền thống vào trường học sẽ tiếp tục bồi đắp cho các em học sinh thêm nhiều kiến thức văn hóa văn nghệ, thể thao và đặc biệt là các kiến thức cũng như nét đẹp của các DTTS để thế hệ trẻ ngày một trân trọng, giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.