Ngồi bên ô cửa sổ, Nghệ nhân ưu tú A Né ở xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) say sưa đánh đàn ting ning. Cây đàn do chính tay ông làm ra và đã gắn bó với ông hàng chục năm nay. Ông bảo, âm thanh phát ra từ cây đàn giống cuộc đời ông, lúc thăng trầm, lúc vui vẻ, lúc bâng khuâng nỗi nhớ miên man...
Ngôi nhà sàn của ông A Né nằm bên sườn đồi. Với các thành viên trong gia đình hay hàng xóm xung quanh nhà nghệ nhân A Né đều đã quen với việc thường xuyên được nghe tiếng đàn, tiếng cồng chiêng vào mỗi buổi chiều sau giờ đi rẫy về. Có ngày, tiếng đàn, tiếng cồng chiêng du dương đến tận khuya. Nhiều người nói, nghe tiếng đàn của ông giúp cho họ quên đi những vất vả cuộc sống hay sau những ngày làm việc mệt nhọc để có được giấc ngủ thanh bình, ngon giấc.
Nghệ nhân A Né nói, ông coi đàn ting ning và những nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc Xơ Đăng như đàn t’rưng, cồng chiêng, k’lông pút…là những vật tri kỷ của mình. Ông yêu quý và bầu bạn với các nhạc cụ mỗi ngày. Đánh đàn hay đánh cồng chiêng đúng nhịp giúp ông thoải mái tinh thần, minh mẫn đầu óc.
Ông còn biết chế tác và sử dụng thành thục các nhạc cụ truyền thống, nổi bật là đàn ting ning, t’rưng và k’lông pút. Dù lớn tuổi nhưng sức khỏe của ông vẫn còn dẻo dai, đôi tay vẫn đánh các nhạc cụ điêu luyện và đôi mắt vẫn còn nhìn rõ từng sợi dây đàn.
A Né cho biết, ông rất vui vì các con, cháu và chắt của ông đều đam mê với các nhạc cụ truyền thống. “A Phòng và Y Đoan, 2 đứa con của tôi đánh cồng chiêng rất giỏi”.
Trong nhà của nghệ nhân A Né, ngoài những cây đàn ting ning, t’rưng hay k’lông pút được làm bằng những vật liệu tự nhiên còn có 1 bộ cồng chiêng quý với 14 chiếc. Tất cả các nhạc cụ đều có giá trị rất lớn về mặt lịch sử văn hóa. Như cây đàn ting ning nghệ nhân A Né hay sử dụng làm bằng cây nứa và một loại cây rừng, hiện nay hầu như không tìm thấy trong rừng. Cây đàn này được nghệ nhân sử dụng rất nhiều lần trong các lễ hội của làng như lễ cúng máng nước, cúng nhà mới.
Hay như bộ cồng chiêng trước kia thuộc sở hữu của một hộ người Ba Na ở làng Kon H’ra Chót (thành phố Kon Tum), được người anh ruột của nghệ nhân A Né là A Kem mua về sử dụng, sau để lại cho ông.
Mặc dù, đã bước sang tuổi 81 nhưng khi thấy khách đến nhà, ông Nguyễn Văn Thực, dân tộc Mường (tổ 14 – phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình), vẫn nhanh nhẹn bước xuống cầu thang đón chúng tôi. Bước vào căn nhà sàn nhỏ của gia đình ông, chúng tôi có cảm giác được bước vào bảo tàng, bởi nơi đây có vô kể những món đồ gỗ mỹ nghệ dân tộc Mường. Đáng nói những đồ vậy này đều do chính tay ông Thực thiết kế và tự tay ông làm ra.
Ngay trước cửa chính, ông Thực treo một dàn 6 chiếc chuông gió làm bằng nứa. Mỗi khi có cơn gió ghé qua, những chiếc chuông lại kêu lộc cộc, như một lời mời chào khách tới chơi nhà. Trên bức tường gỗ phòng khách, ông treo rất nhiều những chiếc đàn bầu, đàn tính, sáo, cung tên, nỏ… dưới nền nhà, la liệt những món đồ mỹ nghệ như nhà sàn, cối nước giã gạo, điếu cày, dao…
Với đôi bàn tay khéo léo, các sản phẩm ông làm ra gồm: cung tên, nỏ, chuông gió, điếu cày, nhà sàn, cối nước giã gạo, sáo, đàn tính, đàn bầu, những bộ quần áo, váy dân tộc Mường…
Đam mê chưa bao giờ nguội tắt, nên ông Thực quyết bám trụ với nghề chế tạo đồ gỗ mỹ nghệ dân tộc. Ông cho biết: "tuy giờ tuổi cao sức yếu nhưng không thể ngồi chơi an nhàn nên tôi ở nhà làm những sản phẩm bé bé thế này vừa để kiếm thêm, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Đây là việc làm không sợ mưa gió nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, trau chuốt đến từng chi tiết”.
Còn Nghệ nhân Rơ Châm Tih (trú làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), có tiếng trong nghề chế tác các loại đàn dân tộc. Ông đã dành cả cuộc đời mình để sáng tạo ra hàng chục nhạc cụ dân tộc chất lượng và được nhiều người trong, ngoài nước yêu thích.
Nghệ nhân Rơ Châm Tih cho biết từ thuở nhỏ, ông đã đam mê tiếng đàn, các nhạc cụ cổ truyền của đồng bào Jrai. Tâm hồn trẻ thơ của Rơ Châm Tih luôn bay bổng theo giai điệu thánh thót của những tiếng đàn trong mùa lễ hội.
Nghệ nhân Rơ Châm Tih vừa tạo ra nhạc cụ và chơi được rất nhiều các loại nhạc cụ. Tiếng đàn, sáo cổ truyền do ông tạo ra luôn thu hút niềm đam mê của các thanh niên trong làng. Nhiều người tìm đến học cách làm và chơi nhạc cụ dân tộc, đều được ông nhận lời và giúp đỡ.
"Tôi may mắn được học cách làm nhạc cụ từ một nghệ nhân mù ở làng. Ông ấy tuy khiếm khuyết về đôi mắt, nhưng rất tài giỏi về nghề đan lát và đánh đàn Ting Ning điêu luyện. Mỗi lần qua nhà ông ấy, tôi đều học theo từng chi tiết nhỏ. Khi lớn lên, tôi đã biết chơi và làm ra cây đàn Ting Ning", nghệ nhân Tih chia sẻ.
Cuộc sống càng hiện đại, giới trẻ không còn mặn mà tới việc sản xuất nhạc cụ, hàng loạt người từ bỏ nên tương lai, chúng tôi cũng muốn mở lớp dạy nghề cho học sinh, người đam mê nhạc cụ trên địa bàn tỉnh”, ông Rơ Châm Tih bày tỏ.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người, nhiều nghệ nhân là người dân tộc thiểu số với tình yêu văn hóa dân tộc, họ đã chuyển hóa thành những đam mê thể hiện trên các lĩnh vực giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ví như đam mê nhạc cụ dân tộc của các nghệ nhân A Né; Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực; Nghệ nhân Rơ Châm Tih và hàng trăm nghệ nhân khác trên mọi miền đất nước... đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bảo tồn và phát triển văn hoá DTTS để trao truyền lại cho lớp trẻ...