Giữ nghề truyền thống
Những năm gần đâyở Krông Pawk, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa, mà còn giúp nhiều người yêu nghề có thêm thu nhập.
Hơn 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà H’Wiêt Byă (tên thường gọi amí Manh) ở buôn Kplang, xã Tân Tiến vẫn miệt mài bên khung cửi, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm họa tiết sắc sảo, hoa văn đẹp mắt.
Amí Manh kể: Từ nhỏ mình đã thấy mẹ hằng ngày ngồi bên khung cửi, khéo léo dệt những tấm thổ cẩm làm chăn đắp, may đồ cho mọi người trong gia đình. Mình rất thích những tấm thổ cẩm họa tiết, hoa văn đẹp mắt ấy. Lớn hơn được mẹ dạy cho cách giăng khung, luồn chỉ, dệt những tấm vải thổ cẩm. Vì rất đam mê nên mới 15 tuổi Amí Manh đã thuần thục nghề, dệt nhiều những sản phẩm cho gia đình sử dụng.
“Để tạo ra nhiều họa tiết, hoa văn đẹp, mình không chỉ học từ mẹ mà còn học hỏi thêm từ các bà, các cô trong buôn, mỗi người có cách riêng nên mình học được nhiều kỹ năng”, Amí Manh chia sẻ.
Nhờ cách tạo hoa văn, họa tiết độc đáo trên những tấm thổ cẩm, đến bây giờ, sản phẩm của amí Manh dệt thường được nhiều người yêu thích. Sản phẩm của bà làm ra, không chỉ bán cho nhiều người trong buôn, thỉnh thoảng có du khách nước ngoài đến tìm mua. Mấy năm nay, nhiều chàng tra, cô giá Ê Đê đi làm ở các tỉnh xa cũng đặt mua váy áo của bà.
Tương tự, mong muốn giữ nghề truyền thống, chị Giang, dân tộc Xơ Đăng, trú xã Ea Yiêng vẫn hàng ngày miệt mài bên khung cửi. Chị Giang chia sẻ: tấm vải truyền thống của dân tộc Xơ Đăng được dệt thủ công rất công phu và mất nhiều thời gian. Dệt tấm vải đẹp thì nghệ nhân phải tâm huyết, hiểu biết về thổ cẩm của dân tộc mình từ màu sắc đến hoa văn và cả ý nghĩa.
Để dệt tấm vải 1,5m, chị kiên trì 5 ngày ngồi bên khung dệt. “Tôi giữ ghề dệt vải vì muốn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, chứ giới trẻ bây giờ rất ít diện trang phục được may từ loại vải dệt truyền thống này. Sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng hoặc có khách đặt mua thôi”, chị Giang kể.
Không chỉ thổ cẩm, nhiều nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện đang được bảo tồn, phát huy trong các buôn làng.
Nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa
Hàng năm, huyện Krông Pắk tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ cấp thôn, buôn đến cấp xã, thị trấn rồi cấp huyện. Mỗi địa phương đều có những hạt nhân văn hóa tiêu biểu, tạo nét đặc trưng riêng tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú.
Huyện Krông Pắk hiện có 3 lễ hội tiêu biểu được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện gồm: Lễ hội võ vật truyền thống xã Vụ Bổn; Lễ hội mừng lúa mới ở xã Krông Búk và Lễ hội ném còn của dân tộc Tày Nùng xã Ea Kênh.
Bên cạnh các lễ hội, huyện cũng rất quan tâm việc phục dựng nghi lễ truyền thống, bảo tồn giữ gìn những làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo như, cúng bến nước, mừng lúa mới, hát aray, hát then, hòa tấu nhạc cụ truyền thống… Ngoài ra, huyện Krông Pắk còn có nhiều nghệ nhân chơi và chế tác nhạc cụ truyền thống.
Theo số liệu thống kê di sản văn hóa phi vật thể, huyện Krông Pắk còn 119 bộ chiêng; 16 đội văn nghệ; 363 nghệ nhân đánh chiêng, 45 nghệ nhân truyền dạy đánh cồng chiêng; 101 nghệ nhân chơi nhạc cụ truyền thống; 27 nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống; 11 nghệ nhân tạc tượng; 6 nghệ nhân hát kể sử thi…
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện quan tâm việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là văn hóa cồng chiêng. Điển hình như xã Tân Tiến vẫn thường xuyên tổ chức các lớp đánh truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Riêng năm 2022, xã Tân Tiến đã tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng cho 30 học viên là đoàn viên của trường THCS Ngô Gia Tự và buôn Kplang. Không chỉ nghệ nhân truyền dạy, những người được học sẽ tiếp tục dạy lại cho người chưa biết, góp phần lan tỏa sâu rộng, bền vững văn hóa cồng chiêng đến các thế hệ trẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc chia sẻ: Krông Pắk có 35 dân tộc cùng sinh sống. Đồng bào DTTS chiếm 33% dân số toàn huyện. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn huyện, còn giữ được nhiều đặc trưng văn hóa truyền thống. Hàng năm, huyện tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc nhằm quảng báo, giới thiệu và tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc và phong trào thể dục, thể thao ở cơ sở, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân gian, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Đồng thời, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi, phát huy truyền thống tốt đẹp, gắn kết cộng đồng. Biến những di sản văn hóa dân gian của các dân tộc thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.