Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chia sẻ "món quà" truyền thống

Duy Ly - 16:18, 20/07/2022

Chương trình Hỗ trợ các nghệ nhân Philippines của Ủy ban Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Philippines cung cấp nguồn tài trợ bền vững cho các nghệ nhân và thợ thủ công tại các cộng đồng bản địa trên khắp đất nước. Chương trình nhằm thúc đẩy các nghệ nhân trau dồi khả năng sáng tạo, sản xuất và quảng bá hàng thủ công, đồng thời nâng cao sinh kế và truyền lại kiến thức, kỹ năng cho các thế hệ sau.

Những người Subanen trẻ tuổi thực hành xâu chuỗi hạt tại "Lớp học sinh kế nghề truyền thống"
Những người Subanen trẻ tuổi thực hành xâu chuỗi hạt tại "Lớp học sinh kế nghề truyền thống"

Trong khi ngành sản xuất và công nghệ đang trải qua quá trình phát triển nhanh chóng, các ngành nghề thủ công truyền thống vẫn tồn tại, đặc biệt là trong các cộng đồng bản địa. Tuy nhiên, nền kinh tế đầy tính cạnh tranh và bức tranh toàn cầu hóa đang đẩy những người thợ thủ công, những nghệ nhân truyền thống cùng sinh kế của họ sang bên lề của nền kinh tế đầy khốc liệt.

Trước bối cảnh đó, những người dân bản địa Philippines đang phải đấu tranh từng ngày để bảo vệ nghề truyền thống cũng chính là sinh kế của mình. Nếu không, chỉ vài năm tới thôi, mọi thứ sẽ dần biến mất.

Và tất nhiên, việc duy trì và bảo tồn nghề truyền thống là cần thiết bởi những thực hành truyền thống là nguồn gốc và nền tảng của di sản, văn hóa và nghệ thuật Philippines. Để hỗ trợ và thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, càng cần phải quan tâm nghệ thuật và thủ công truyền thống bởi các ngành công nghiệp sáng tạo ngày nay đều bắt nguồn từ đó.

Một người thợ lành nghề đang hướng dẫn lại cho những bạn trẻ địa phương
Một người thợ lành nghề đang hướng dẫn lại cho những bạn trẻ địa phương

Chính vì vậy, Ủy ban Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Phillipines (NCCA) đã làm việc với các cộng đồng và các nhóm dân tộc khác nhau trên khắp đất nước để đưa ra các chương trình hỗ trợ nhằm bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển và trân trọng sâu sắc hơn đối với văn hóa truyền thống.

Một trong những chương trình trọng điểm đó là “Lớp học sinh kế nghề truyền thống” (SLT). Ở đó, các thành viên trẻ hơn trong cộng đồng được khuyến khích học nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, các kiến thức về thực hành truyền thống dân tộc mình dưới sự hướng dẫn của một cao niên có hiểu biết sâu rộng về văn hóa bản địa.

Gawad sa Manlilikha Bayan (Giải thưởng Kho báu Sống của Quốc gia), trao danh hiệu cao nhất cho các thợ thủ công và nghệ nhân dân gian xuất sắc cùng những đóng góp của họ trong các dự án nhằm bảo tồn nghề truyền thống – di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cũng là một chương trình ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Ngoài ra, Chương trình Hỗ trợ các nghệ nhân Philippines (AFA) là một trong những chương trình mới được thực hiện gần đây mang lại nhiều tín hiệu tích cực. AFA tiếp cận các cộng đồng văn hóa khác nhau để giúp họ tiếp tục duy trì nghề thủ công truyền thống và sinh kế thông qua việc hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các thợ thủ công và nghệ nhân dân gian. Đã có 67 cộng đồng làm nghề dệt truyền thống trong các vùng khác nhau tại Philippines được hưởng lợi từ dự án “Mỗi gia đình một máy dệt”, một dự án trong chuỗi hoạt động của chương trình.

Vào tháng 4 vừa qua, một chương trình giao lưu trực tuyến trên trang Facebook của NCCA và AFA mang tên “Kaloob” do Tiến sĩ Patrick B. Flores, một trong những học giả và là nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu Philippines phụ trách. Flores đã ghi lại hành trình về chương trình thực hiện các dự án của AFA.

Một trung tâm cộng đồng ở Palawan dạy nghề đan giỏ
Một trung tâm cộng đồng ở Palawan dạy nghề đan giỏ

Thông qua những hình ảnh và âm thanh sống động, người xem như được đi du lịch trực tiếp đến các vùng khác nhau của đất nước và trải nghiệm sự đa dạng của các nền văn hoá. Chương trình cung cấp cái nhìn sơ lược về nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống mà AFA đang hỗ trợ. Đồng thời giới thiệu đến người xem các nghệ nhân, đặc biệt là những nghệ nhân quá cố, những người có đóng góp quan trọng trong việc duy trì và bảo tồn văn hoá truyền thống các dân tộc bản địa.

Tên của cuộc triển lãm “Kaloob” có nghĩa là “món quà” hay “phước lành”. Nó cũng có thể hiểu như một thứ gì đó được lưu truyền lại, một thuật ngữ thích hợp để chỉ các nghề thủ công truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ, quà tặng từ tổ tiên, từ các vị thần, như “lửa” trong thần thoại Hy Lạp cổ đại – thứ khơi nguồn văn hoá và nền văn minh vĩ đại.

Vì vậy, Triển lãm AFA mang trong mình sứ mệnh và mục đích cao cả đó là truyền tải những “món quà” của những người đi trước đến những người dân Philippines, đặc biệt là những người bản địa, để văn hoá truyền thống được nhận biết, được bảo vệ và duy trì để trường tồn với thời gian.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.