Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Noọng Ó khát vọng hồi sinh

Minh Thứ - 09:36, 08/01/2020

Noọng Ó một thời từng được biết đến là bản có đời sống no ấm và khấm khá của xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Thế rồi “cơn bão” ma túy đã nhấn chìm Noọng Ó, khiến bản làng nơi đây rơi vào cảnh tiêu điều. Trong khó khăn, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân ở đây đã thức tỉnh, đồng bào đang khát vọng hồi sinh, xây dựng cuộc sống yên bình no ấm…

Noọng Ó đã được đầu tư làm đường giao thông nội bản
Noọng Ó đã được đầu tư làm đường giao thông nội bản

Khoảng năm 2000 trở về trước, Noọng Ó thuộc diện khấm khá nhất xã Hữu Lập, bản không lúc nào thiếu cái ăn, trâu, bò, lợn, gà không đếm xuể. Vì nằm ở thung lũng tiếp giáp với các xã Bảo Nam, Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống nên tội phạm ma túy kéo về đây để lập bản doanh. Các đối tượng lợi dụng thanh niên trong bản vận chuyển ma túy, rồi lôi kéo họ vào con đường nghiện ngập, từ đó bản làng không có một phút bình yên. 

“Chỉ vài năm sau, tệ nạn ma túy hoành hành khiến bản làng trở nên xơ xác, tiêu điều. Bản chỉ có 90 nóc nhà mà đã có hàng chục người nghiện, nhiều người phải ngồi tù vì ma túy. Trong bản còn lại chủ yếu là người già và trẻ con”, giọng Trưởng bản Lương Văn Mắn chùng xuống khi nói về thực trạng bản Noọng Ó.

Trưởng bản Lương Văn Mắn dẫn chúng tôi vòng quanh các ngõ ngách trong bản, những ngôi nhà sàn vắng bóng người cây dại mọc lên um tùm. Theo lời Trưởng bản, đó là những gia đình có vợ hoặc chồng đang lĩnh án tù, hoặc chồng đã mất, vợ bồng bế con đến vùng khác sinh sống…

Là nạn nhân của tệ nạn ma túy, ông Lữ Thảo Thăm (SN 1952) từng sử dụng ma túy nhiều năm ở Noọng Ó phân trần, ngày trước gia đình, vợ con đang yên ấm. Thế rồi, bọn buôn bán ma túy đến dụ dỗ ông đi xách hàng thuê cho họ. Lúc đầu chỉ đơn thuần làm thuê thì vẫn được trả tiền công, nhưng rồi dần về sau, chúng cho ông dùng thử rồi nghiện lúc nào không biết. Khi đã nghiện rồi thì phải phụ thuộc bọn chúng. Rồi khi không có tiền để mua ma túy nữa, các đồ dùng, của cải có giá trị trong nhà đều bị ông bán đi để “chơi” ma túy. 

“Ngày trước trót dại nên dính vào ma túy, bị nó làm khổ cả một đời. Bây giờ các con, các cháu đều đi làm ăn xa để vừa tránh xa được “con ma trắng”, vừa gom tiền để ít năm nữa về có vốn làm ăn”, ông Thăm chia sẻ. 

Để hồi sinh Noọng Ó, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đã vào cuộc đấu tranh đẩy lùi tệ nạn này. Khi cơn bão ma túy đã tạm lắng xuống, các gia đình đã bắt đầu tập trung làm nương rẫy, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và dệt vải, với mong ước cuộc sống sẽ trở lại cảnh no ấm và yên bình như xưa.

Ông Kha Văn Moọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lập cho biết: Thời gian gần đây, xã tăng cường phối hợp với Công an huyện và các xã giáp ranh triệt phá các tụ điểm mua bán ma túy, giám sát các đối tượng nghi vấn, nên tình hình đã lắng xuống. Tuyến đường từ trung tâm xã vào Noọng Ó đang được nâng cấp, việc đi lại và tổ chức tuần tra thuận lợi hơn, tội phạm ma túy không còn dám hoạt động liều lĩnh nữa, vì thế người dân đã yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Kha Văn Moọc, điểm trường mầm non và tiểu học bản Noọng Ó vừa được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng theo Chương trình 135, đáp ứng đủ cho việc dạy và học của thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây. Tin rằng trong tương lai, thế hệ các cháu sẽ là mầm xanh góp phần xây dựng bản làng bình yên no ấm.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.