Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Niềm vui đã trở lại nơi rốn lũ Nậm Păm

PV - 11:10, 12/03/2018

Cách đây vài tháng, tận mắt chứng kiến sức tàn phá của trận lũ lịch sử xảy ra tại xã Nậm Păm, huyện Mường La (Sơn La), nhiều người nghĩ rằng, phải mất nhiều năm nữa vùng đất này mới hồi sinh trở lại.

Nhưng với sự nỗ lực khắc phục khó khăn, biến đau thương thành hành động, tập trung lao động sản xuất, cuộc sống mới lại hiện về cùng màu xanh của ruộng lúa, nương ngô, vườn cây ăn trái...

Màu xanh phủ kín ruộng nương

Cách đây vài tháng đến Nậm Păm, ai cũng phải đứng tim trước sức tàn phá của nước lũ, tất cả trở thành một đống đổ nát, tài sản, nhà cửa, đường sá, ruộng lúa… đều bị cuốn trôi và đất đá vùi lấp. Nhiều gia đình trắng tay, bị cái đói, cái nghèo rình rập, đe dọa. Thế nhưng, cũng từ nơi rốn lũ này, ý chí vươn lên gây dựng lại cuộc sống của người dân chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy.

Ruộng nương bị thiệt hại do mưa lũ đã được bà con đưa vào sản xuất trở lại. Ruộng nương bị thiệt hại do mưa lũ đã được bà con đưa vào sản xuất trở lại.

Nay trở lại Nậm Păm, hai bên đường là những màu xanh của ruộng lúa, vườn rau tươi tốt phủ kín ruộng đồng từng ngổn ngang đất đá và nước lũ. Đến nơi đâu cũng bắt gặp không khí lao động sản xuất tất bật, nhộn nhịp, người làm ruộng trồng lúa, trồng rau, còn người thì đưa đàn trâu, bò, dê ra đồng… Con đường vào xã giờ đang được đội ngũ kỹ sư, công nhân cầu đường ngày đêm xây dựng làm mới, đẹp hơn.

Trên các sườn đồi, ven suối nơi bị lũ càn quét, người dân đang chạy đua với thời gian khẩn trương lao động sản xuất, san gạt đất làm ruộng trồng lúa, trên các đỉnh đồi bà con trồng cây ăn quả xoài, nhãn, sơn tra, bưởi… xen ghép vào nương ngô, nương sắn, vừa để lấy ngắn nuôi dài và phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng thu nhập của gia đình.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho nhân dân sản xuất; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, cách chăm sóc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi… Nhờ đó, người dân có phương tiện sản xuất, cuộc sống nhanh chóng ổn định.

Đứng bên ngôi nhà vừa được Nhà nước hỗ trợ làm mới, anh Tòng Văn Tiêng, bản Huổi Liếng (Nậm Păm) chia sẻ: Mới đầu gia đình khó khăn hết nói, nhìn tài sản lũ cuốn đi mà người rụng rời, bất lực. Căn nhà ở được hai vợ chồng vất vả tích góp vừa làm xong cùng trâu bò, ruộng lúa đều bị nước lũ cuốn trôi hết. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm khắp các vùng miền, cuộc sống gia đình giờ đã trở lại bình thường. Vợ chồng anh đang cố gắng chăn nuôi lợn, gà để bán lấy tiền phục vụ sinh hoạt gia đình.

Cùng tâm trạng với anh Tiêng, anh Lò Văn Uẩn cùng bản, nỗi đau mất vợ, mất con đã vơi đi phần nào khi cuộc sống mới trở lại, anh Uẩn chia sẻ: Ban đầu nhận được nhận gạo, tiền cứu trợ, sau đó được hỗ trợ cây con giống trồng trọt, bà con động viên nhau cải tạo lại bãi đất cát để trồng ngô, lúa, rau, giờ cây cối đã lên xanh tốt. Ai cũng cố gắng lao động sản xuất để cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo.

Vươn lên nhờ tinh thần đoàn kết

Ông Lò Văn Cẩn, Chủ tịch UBND xã Nậm Păm, cho biết: Sau cơn lũ đi qua, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc khắc phục hậu quả, giúp bà con về chỗ ăn, chỗ ở. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách” của bà con địa phương, nhiều người đã tự nguyện hiến đất, giúp bà con có mặt bằng làm nhà ở, khi chỗ ở ổn định công tác hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con được tiến hành khẩn trương, hộ nào cũng được hỗ trợ bò giống, dê giống và các loại cây trồng như: Xoài, nhãn, bưởi, sơn tra… để sản xuất. Đến nay, trên 156ha đất nương của bà con đều đã được phủ kín cây ăn quả.

Bí thư Huyện ủy Mường La Nguyễn Thành Công cho rằng, để đạt được nhiều kết quả trong thời gian ngắn như vậy chính là sự chung tay vào cuộc đoàn kết của tất cả các ban, ngành, cho tới người dân. “Có thể thấy trong đợt khắc phục lũ lụt vừa qua ở Nậm Păm, vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Nậm Păm, Đảng ủy thị trấn và trực tiếp là vai trò lãnh đạo hạt nhân của các bí thư chi bộ bản rất tốt, các đồng chí đó lăn lộn với công việc, sát việc, có trách nhiệm với công việc và thấy được vai trò của mình trong việc khắc phục lũ bão như thế nào khi huyện, tỉnh giao cho đặt lên vai trách nhiệm các đồng chí.

Ví dụ, như Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Nậm Păm khi huyện và tỉnh có chủ trương lập 6 điểm tái định cư thì Bí thư Đảng ủy xã cùng với Chủ tịch xã, Bí thư chi bộ bản Hốc họp đến 2 giờ dân không nhất trí, 3 giờ sáng nhân dân mới nhất trí, thì 6 giờ thông báo với huyện và đến 7 giờ tiến hành làm. Tại điểm tái định cư bản Hốc 59 ngôi nhà đã xong, thành một bản, dân cư ổn định”, Bí thư huyện ủy Mường La Nguyễn Thành Công cho biết.

LÊ SAN

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.