Khó khăn từ mùa dịch Covid
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, dịch Covid-19 bùng phát những tháng đầu năm đã làm ảnh hưởng khá nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Tổng giá trị nông, lâm thủy sản trong quý I/2020 của Hà Nội giảm khoảng 1,17% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, diện tích gieo trồng cây vụ Đông - Xuân giảm 10,1%; Số lượng lợn chăn nuôi trong quý I/2020 mới đạt khoảng 1,1 triệu con, giảm 31,25%, còn sản lượng chỉ đạt 51.000 tấn, giảm 41,22% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, dịch cúm gia cầm xảy ra tại một số địa phương cũng khiến đàn gia cầm đang đứng trước nguy cơ bị giảm.
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng trong quý I, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng có những điểm sáng. Điển hình như, sản lượng nuôi trồng thủy sản 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 27.000 tấn, tăng 4,25%; tổng sản lượng thủy sản đạt 22.027 tấn, tăng gần 6,9% so với cùng kỳ năm 2019.-*
Trên cơ sở những kết quả đạt được, đánh giá đúng những khó khăn, hạn chế, Hà Nội xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp vượt qua “khủng hoảng” từ dịch Covid-19 để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 4% của ngành Nông nghiệp, 96% số xã đạt chuẩn NTM đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Thời gian tới, Thành phố sẽ có gói kích thích tăng trưởng để phát triển nông nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Từ đó, tạo đà cho ngành Nông nghiệp Thủ đô phát triển, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao.
Dịch Covid-19 đã và đang để lại những khó khăn cho ngành Nông nghiệp Thủ đô. Thế nhưng ở một góc nhìn khác, đây cũng là cơ hội để ngành Nông nghiệp khẳng định được chỗ đứng, đồng thời tìm thấy những cơ hội mới.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khải (Huyện Chương Mỹ) cho biết: Trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng cho thị trường Hà Nội 7 - 9 tạ rau. Trong bối cảnh dịch Covid-19, thay vì cung cấp trực tiếp cho các trường học, doanh nghiệp, HTX đã chuyển nguồn hàng này sang các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu chung cư.
Còn bà Phạm Thị Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (Huyện Đông Anh) cho hay: 100% sản phẩm rau của HTX đều được dán tem QR code truy xuất nguồn gốc. HTX đã đẩy mạnh liên kết với các chuỗi cung ứng nông sản, các công ty phân phối, như: Chuỗi cửa hàng Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, siêu thị Big C, các cửa hàng tiện ích trên địa bàn Thành phố… nên mức tiêu thụ vẫn được duy trì.
Là một trong những đơn vị phân phối với số lượng lớn các mặt hàng nông sản của Hà Nội, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi Vinmart) chia sẻ: Công ty đã liên kết với các HTX nông nghiệp tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Oai… để nhập hàng, vừa bảo đảm nguồn hàng chất lượng bán cho người dân, vừa góp phần giúp nông dân, HTX duy trì sản xuất.
Rõ ràng với hướng chuyển đổi này cùng những giải pháp tích cực của TP. Hà Nội, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã trụ vững, phù hợp với sự biến động của thị trường, đồng thời hạn chế được sự “đứt gẫy” trong cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho xã hội.